THỜI TIẾT KHÔNG ỦNG HỘ NGƯỜI TRỒNG ĐIỀU
Đầu vụ điều năm 2011, người nông dân trong tỉnh vui mừng vì giá điều tăng cao, có lúc đạt đỉnh kỷ lục 42 ngàn đồng/kg. Thêm vào đó, điều ra bông và đậu trái sai, hứa hẹn một mùa bội thu cả về năng suất và giá thành. Thế nhưng những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, thời tiết thay đổi bất thường, mưa và sương muối kéo dài, làm hầu hết diện tích điều trong tỉnh đang ở thời kỳ “kết trái” bị rụng hoa, thối quả, những hạt bằng ngón tay bị xì mủ, xám đen rồi rụng. Theo phản ánh của người dân, năng suất điều năm nay giảm khoảng 40-50%. Báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Phú nhận định, có khoảng 30% diện tích điều đang cho thu hoạch trên địa bàn huyện bị mất trắng, khoảng 70% diện tích còn lại chỉ đạt sản lượng không quá 1,3 tấn/ha.
Thu lượm cả ngày cũng chỉ được chục ký hạt điều
Anh Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Mùa mưa năm 2010, lượng mưa thấp, nguồn nước dự trữ trong các ao hồ trên địa bàn chỉ đạt khoảng 30%. Do đó, bước vào mùa khô năm 2011, mực nước ngầm xuống thấp gây ra tình trạng khô hạn trên diện rộng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng như hồ tiêu, cà phê, điều... Những ngày cuối tháng 2-2011, thời tiết trên địa bàn tỉnh có hiện tượng sương muối vào sáng sớm. Sương muối và nắng gắt đã làm hoa điều cháy khô, trái non không đủ nước cũng khô héo và rụng hết. Thêm vào đó là những trận mưa, gió lốc bất thường đầu tháng 3, hoa điều ngấm nước và thối dần”.
Anh Lê Cao Hùng, Trưởng thôn 6 (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) tâm sự: “Nhà có 5 ha điều, mùa vụ năm 2010 thu được gần 15 tấn. Năm nay đầu mùa, giá điều tăng gấp 2-3 lần năm trước. Không chỉ riêng tôi mà nông dân trong vùng rất phấn khởi, nhưng đùng một cái mưa và sương muối ập đến đã dập tắt niềm hy vọng, lại một năm được giá mất mùa”. Những người được mệnh danh là “đại gia điều” trên đất Phước Long, Bù Đăng hay Bù Gia Mập cũng phải “khóc ròng” vì điều mất mùa. Anh Nguyễn Văn Hòa, thôn Cây Da (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) cho biết: “Nhà tôi có 30 ha đất trồng điều. Năm nay, điều chỉ được phân nửa, tiền bán điều chỉ đủ trả tiền công chăm bón và hái lượm, có thu về cũng không được bao nhiêu”.
NGUY CƠ TÁI NGHÈO
Phần đông dân số của huyện Bù Gia Mập là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn và trông chờ vào cây điều. Năm nay mất mùa điều, nguy cơ tái nghèo trong một bộ phận đồng bào rất dễ xảy ra. Những khoản nợ, vay vốn ngân hàng của bà con đã đến kỳ đáo hạn. Mất mùa điều đã tác động mạnh đến đời sống của nhiều người dân trong tỉnh, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ khó khăn. Toàn bộ thôn 6, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, có 310 hộ dân sinh sống, trong đó có 100 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo, khoảng 200 hộ vay vốn ngân hàng. Thất mùa, hai anh em Điểu Nức, Điểu Cá (thôn 6) phải rủ nhau lên rừng tìm kiếm lá nhíp về bán, vợ con thì đi lượm điều thuê.
Anh Cao Văn Quản, ngụ thôn 6, xã Đắk Ơ cho biết: “Hiện gia đình tôi vay ngân hàng 20 triệu đồng, đến tháng 6-2011 là đáo hạn. Dự tính thu hoạch điều năm nay là đủ trả nợ, ai ngờ đến ngày điều ra bông, đậu trái trời không cho ăn. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn biết trông chờ vào các chính sách khoanh nợ, đáo hạn của ngân hàng, để đợi đến mùa điều năm sau...”. Cùng chung nỗi lo, anh Mai Văn Nhượng, thôn 2, ấp Bù Bưng, xã Đắk Ơ cho biết: “Nhà có 5 ha điều, vừa qua gia đình tôi vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất và chi tiêu trong mùa đói giáp hạt. Năm nay điều mất mùa mà nợ ngân hàng lại sắp đến kỳ hạn trả, tôi không biết xoay sở thế nào. Nếu toàn bộ số tiền thu điều trả hết cho ngân hàng thì gia đình tôi không biết sống bằng gì”.
Trong đợt mưa và gió lốc cuối tháng 2 và giữa tháng 3 vừa qua đã làm thiệt hại gần 1.500 ha điều đang trong vụ thu hoạch của bà con nông dân hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. “Gia đình tôi trông chờ vào vụ điều để trang trải nợ nần và lấy tiền đầu tư làm ăn. Vậy mà, chỉ trong chốc lát tất cả đã trắng tay, 2 ha điều của gia đình đã lật gốc, gãy cành ngổn ngang”, anh Bùi Thắng (xã Long Hưng, Bù Gia Mập) tâm sự. Cơn lốc đi qua vài phút nhưng hậu quả vô cùng nặng nề kéo dài 3-4 năm về sau. Vườn điều bị lốc tàn phá nhẹ còn có thể khôi phục, nhưng với những vườn điều bị tàn phá 70-80% diện tích, nông dân buộc phải cưa toàn bộ để trồng mới và phải đợi 3-4 năm sau điều mới cho thu hoạch, mà năng xuất chỉ bằng phân nửa những vườn điều già (10-20 năm), chưa kể còn phân bón, công chăm sóc... “Trong những năm chờ đợi trồng mới, gia đình buộc phải đi làm thuê để duy trì cuộc sống”, chị Lại Thị Lan, (Long Hưng) nói. “Và đây thực sự là dấu hiệu của nguy cơ nợ nần, đói kém, tái nghèo trong 2-3 năm thất thu”, ông Đỗ Văn Chấn, Trưởng thôn 1 (xã Long Hưng) khẳng định.
KQ
(Nguồn: baobinhphuoc.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn