Hồ Chí Minh-Người là mạch nguồn tỏa sáng trong thơ ca

Thứ tư - 20/05/2015 22:31 821 0
Bác Hồ là con người Việt Nam đẹp nhất Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Bác là niềm tin, niềm tự hào cao cả của dân tộc ta và cả loài người tiến bộ. Tên Bác Hồ trờ thành danh từ chung đẹp đẻ nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất, kính mến nhất. Con đường cứu nước, cứu dân và đạo đức Hồ Chí Minh  mãi là mạch nguồn toả sáng trong thơ ca.

 Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa...”(Theo chân Bác - Tố Hữu).Tấm lòng của Bác luôn rộng mở; yêu nhân dân, lo cho đất nước đã trở thành niềm vui của Bác. Người đã sống quên mình vì dân vì nước. Là một lãnh tụ cách mạng, bận trăm công nghìn việc lớn lao, vậy mà Bác vẫn còn quan tâm đến những việc lớn nhỏ chăm sóc, ân cần với mọi người.

Khi ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người thương các dân tộc trên thế giới bị áp bức:...Á, Âu đâu cũng lòng trong đục. Vàng máu chia 2 cảnh khổ giàu (Theo Chân Bác-Tố Hữu). Đau đáu nhất là lòng thương dân tộc Việt của Bác. Khi rời Tổ quốc để bôn ba "bốn biển năm châu", Người thao thức không ngủ vì nỗi lòng thổn thức của người con phải rời xa đất mẹ: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ./ Sóng vỗ dưới thân tàu đau phải sóng quê hương. /Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở. /Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương” (Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên).

Hơn 70 năm trước, vào một ngày xuân năm 1941 (ngày 28-1), Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nước ngoài trở về đến Pác Bó, một bản biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Sau ngót 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về đúng thời điểm lịch sử, vạch ra phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lãnh đạo cách mạng đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công…Bác còn làm sống dậy những tinh hoa của văn hóa dân tộc: “Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia/Ta nghe bừng tỉnh dậy/Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường/Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy/Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi-Chế Lan Viên); làm đổi thay số phận của mỗi con người Việt Nam. Mãi sau này khi nhớ lại phút giây thiêng liêng đó, Người viết: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động(T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, 1975, tr. 73).

Trong tập thơ Đèo trúc, có một chùm thơ Vũ Cao viết về Bác. Từ những tâm tình khác nhau, Vũ Cao kể lại tỉ mỉ những chi tiết và những cảm xúc về lần anh gặp Bác Hồ ở rừng núi Việt Bắc: “Giây phút ấy, lần đầu tiên gặp Bác/ Cho dẫu chết chẳng bao giờ quên được” (ý trong tập thơ Đèo trúc-Vũ Cao).  Hình ảnh Bác qua những câu thơ của Vũ Cao cũng rất đẹp, như trong một bức tranh màu sáng bức tranh Bác Hồ và các chú bộ đội giữa núi rừng Việt Bắc. Con suối nhỏ, bờ mương rừng núi như lẳng lại, trầm ngâm vào giây phút Bác Hồ xuất hiện, và hình dáng phong độ của Bác như có một chút gì của thiên thần thoại: “Tối không kịp nói nửa câu./Người đã đi/ Vó ngựa./Lại thong dong từng nhịp gỡ bờ mương”(ý trong tập thơ Đèo trúc-Vũ Cao).

Thơ Nông Quốc Chấn khắc ghi hình ảnh Cụ Hồ độc đáo và bình dị, không hề tầm thường, đời thường mà vẫn vĩ đại: “Lại có Cụ Già chân đi đất, Mặc bộ quần áo Nùng, Tay cầm cái gậy mây rừng, Miệng ngậm một điếu can không khói, Bộ râu dài vừa trắng vừa đen, Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên...Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón”(Bộ đội ông cụ).

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Xuân Diệu là một trong những Văn nghệ sĩ nhiệt tình nhất đi theo kháng chiến, theo Đảng, Bác...( Lột xác từ bỏ thành phần giai cấp của mình, gia nhập giai cấp công nhân -được kết nạp Đảng năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc), chung thủy đến trọn đời. Xuân Diệu ngợi ca Bác Hồ: “Mỗi lần tranh đấu gay go/Chúng con lại được Bác Hồ đến thăm /Nghe lời Bác dạy khuyên răn /Chúng con ước muốn theo chân của Người /Chúng con thề nguyện một lời/Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây”(Bác dạy). Từ chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể:“Ở đây sống một người tóc bạc/Người không con mà có triệu con/Nhân dân ta gọi người là Bác/Cả đời Người là cả nước non”(Quê hương Việt Bắc). Và cũng chính từ chiến khu “thủ đô gió ngàn” này, người dân chiến khu gọi Bác Hồ bằng cách gọi thành kính và thân mật: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc-Tố Hữu). Nhà thơ Thanh Tịnh đã viết những dòng thơ xúc động về hình ảnh dung dị của vị lãnh tụ dân tộc ở Việt Bắc: “Nhớ một tối giữa rừng Việt Bắc/Được xuống đò theo Bác sang sông/Đó là Bác mà sao biết trước/Tưởng Cụ già miền ngược ven sông/Dao rừng cài gọn bên hông/Gậy song cắp nách, túi vòng qua vai”(Thanh Tịnh - Trăm năm nhớ một chuyến đò, NXBQĐND, Hà Nội, 1980). Hồ Chí MinhTấm gương sáng ngời về đạo đức từ những ngày đầu hoạt động
cách mạng tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt
Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã diễn đạt về đạo đức sáng ngời của Bác: “Suốt một đời Bác đã nghĩ về ta /Nói về Đảng cũng vì dân mà nói /Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói /Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh” (Thấm trong Di chúc).

Càng xa Tổ quốc lại càng nhớ Bác da diết. Như một kẻ hành hương tìm về những vùng đất Thánh, một ngày đầu thu, Xuân Thủy đến thăm thành Tua, nơi Bác và đồng chí Macsxen Casanh tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp 1920. Xuân Thủy lại tìm đến ngõ Côngpoanh, ngôi nhà số 9, thăm gian phòng hẹp đơn sơ, nơi Bác đã chịu những ngày đông lạnh giá để tìm ra lẽ sống của dân tộc:“Tôi nghe xưa tuyết giá mùa đông/Một viên gạch Bác nung thành sức ấm/Trên trái đất biết bao là vực thẳm/Khói bụi mù khi ấy Việt Nam ơi!/Bác ngồi đây suy nghĩ bốn phương trời/Mở cửa sổ gió ngoài lồng lộng/Chính nơi đây Bác tìm ra lẽ sống”(Thăm Côngpoanh).Khi nghe tiếng đàn bầu Việt Nam tại thủ đô nước Pháp: “Hỡi tiếng đàn ta tiếng hát ta/Hỡi đôi chân ngọc, búp tay ngà/Vui tươi sắc sảo, mê hồn nữa/Cho sáng trời Tây, dậy biển xa!” (Thăm Côngpoanh).

Sau Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải thơ mộng ở tỉnh Quảng Trị chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn hướng về miền Nam và dành cho đồng bào miền Nam tình thương yêu sâu nặng. Trong Phủ Chủ tịch, mỗi ngôi nhà, mỗi bóng cây đều in dấu tình cảm da diết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Bác xúc động nhắc lại điều Bác đã từng nói nhiều lần: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”. Bác mong được vào thăm miền Nam và “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” còn đồng bào “miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Trong cảnh đất nước tạm thời chia cắt, bà má miền Nam đã gửi ra dâng Bác “gói đất miền Nam” với nghĩa tình thủy chung son sắt: “Đất này mảnh đất quê hương/ Cùng chung máu thịt giang sơn Lạc Hồng/Xin dâng Cụ cả tấm lòng/ Cụ tin ở bức thành đồng miền Nam” (Gói đất  miền Nam-Xuân Miễn). Với nhà thơ Giang Nam, hình ảnh Bác Hồ đến với nhà thơ lúc đó thật tình cờ, khi ông nhìn thấy tấm hình Bác được in trên báo Thống Nhất. Cảm xúc ùa về, ngay trong đêm đó, ông viết rất nhanh những dòng thơ:Vui sao giữa những ngày gian khổ/Bác đã về đây với chúng con/Tờ báo mới, thơm mùi mực mới/Đến với con qua lớp lớp Trường Sơn. Trong mường tượng của nhà thơ, hình ảnh Bác “…vẫn giản đơn như cuộc đời bộ đội. Vẫn đôi dép cao-su bốn mùa không thay đổi Vẫn bộ đồ ka-ki quen thuộc, bạc mầu” . Chính vì thế: Con nhớ như in từng lời của Bác/Tiếng nói quê hương trong tiếng nói một người…(Con viết bài thơ dâng Bác). Có người từng nói, thơ văn là nhật ký của cuộc sống và nhà thơ, nhà văn là những người thư ký của thời đại. Ghi lại cảm xúc của những người con miền Nam đối với Bác Hồ, nhà thơ Giang Nam đã làm toát lên niềm tin mãnh liệt, một lòng một dạ đi theo Bác của người dân miền Nam. Dù trong xà lim ngục tối, hay trước lưỡi lê máy chém, hàng vạn đồng bào miền Nam vẫn như thấy Bác đang an ủi, vỗ về. Và mong ước tột cùng không gì khác ngoài: Ngày mai tan lũ quân thù đế quốc/Chúng con sẽ về quanh Bác, Bác ơi!/Băng bó đau thương, xây dựng lại cuộc đời/Như muôn mạch máu li ti trở về tim vĩ đại(Con viết bài thơ dâng Bác). Những ước mong của Bác, những nghĩa tình thủy chung son sắt nhân dân miền Nam, những vần thơ ấy đã trở thành hiện thực, đến nay sau 40 năm  “xây dựng lại cuộc đờiđất nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối, đất nước ta đang vững vàng tiến bước trên con đường phát triển. Những thành tựu thu được sau 40 năm giải phóng, nhất là những thành tựu trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là rất to lớn, rất đáng ghi nhận, đã nâng tầm dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra niềm tin đối với bạn bè trên thế giới.

Cả cuộc đời thần kỳ của Bác đã khép lại nhưng chân lý càng rực sáng khơi dậy sự sống mãnh liệt cho mỗi chúng ta. Nhà thơ Tố Hữu từng nói: Như đỉnh non cao tự dấu hình, Nhà thơ Chế Lan Viên thì suy nghĩ thành kính: “Bác của chúng ta vô cùng khiếm tốn, mà lòng chúng thì còn đôi khi lơ đãng, lắm lúc dại khờ, nên khi Bác còn ở cùng ta, cái vĩ đại chỉ có trong hành động chúng ta mới nghiệm ra, bằng một sự tĩnh tâm, một sự im lặng lắng nghe ta mới hiểu hết, chứ không phải bằng những giải thích lòe loẹt văn hoa, bằng những tiếng ồn…Thế rồi Bác bổng ra đi. Cả dân tộc bừng tỉnh dậy. Mà từ ấy đến nay, mỗi ngày qua- cám ơn mỗi ngày qua lại giúp cho ta phát hiện thêm cái tầm vóc lịch sử loài Người”(Chế  Lan Viên, Nghĩ cạnh dòng thơ, Nhà xuất bản văn học, 1981).

Bác là tinh hoa của dân tộc, là lãnh tụ thiên tài, là anh hùng vĩ đại, là đạo đức, là tình thương…Những vần thơ viết về Bác đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mổi chúng ta, viết về Bác là viết về một nguồn sáng vĩ đại của thời đại, nguồn sáng ấy mãi mãi soi đường dẫn lối cho chúng ta và muôn đời về sau./.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây