Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân! Biết ơn những Anh hùng đang sống và tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng đã anh dũng hy sinh! Tuổi trẻ nhiều đồng chí đã gửi lại chiến trường máu và nước mắt, thaan6 xác. Đó là sự hy sinh, hy sinh cho Tổ quốc thì không những không mất mà đó là gủi hồn vào sống trong long dân tộc. Nhiều đồng chí đã bất chấp khó khan, cực khổ và cả vượt lên trên sự chết chốc, làm nên những điều không tưởng. Chỉ có khát vọng hòa bình mãnh liệt bằng trái tim yêu tổ quốc tột cùng thì mới có sưc mạnh phi thường đến mức không tưởng như vậy.
Trong hàng ngàn ngàn thanh niên Việt Nam nguyện hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn độc lập cho Tổ quốc đó có đồng chí Hoàng Thế Vinh, quê ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đồng chí đã để lại cho chúng ta một “tác phẩm” mà bây giờ - nhân dịp 78 năm ngày Ngày thành lập Quân đội nhân dân tôi xin trích gửi tới quý bà con đọc giả, các đồng chí và toàn thể nhân dân. Khi được duyệt lên, mong rằng có cơ hội để tôi xin trình được quyển nhật ký này phát hành rộng rãi hơn.
Nhìn lại, sau cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc thì cuốn nhật ký của Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh được phát hiện muộn hơn và cũng có nhiều chi tiết độc đáo, hấp dẫn ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của thế hệ thanh niên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xin gửi tới bạn đọc một vài chi tiết của cuốn nhật ký bằng thơ rất độc đáo này. Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh, sinh ngày 2 tháng 10 năm 1955, quê xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1974 lúc vừa tròn 19 tuổi, học xong lớp 7 (lớp 7/10 - tương đương tốt nghiệp THCS) và hi sinh khi mới 22 tuổi.
Sau khi góp phần vào chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung sĩ Hoàng Thế Vinh tiếp tục ở lại huấn luyện và cuối tháng 9 năm 1977 lại lên đường đi chiến đấu ở biên giới phía Nam. Đến ngày 4 tháng 11 năm 1977 Hoàng Thế Vinh lúc đó thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 với chức vụ Tiểu đội trưởng trong lúc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã ngã xuống tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1978 gia đình nhận được giấy báo tử và giấy tờ tùy thân cùng một cuốn nhật ký bằng thơ, huy hiệu, huân chương.
Qua lời kể của gia đình, hàng xóm và qua lời của cô giáo Thạc sỹ Văn học Phan Thị Bích Hồng (gọi Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh bằng cậu ruột), chúng tôi được biết, Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh là một người thông minh, đẹp trai và có nhiều tài lẻ như thổi sáo, đánh đàn, hát hay và nhất là rất hay sáng tác thơ văn nên anh được nhiều cô gái thời đó đem lòng yêu say đắm.
Chàng trai Hoàng Thế Vinh nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi, cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của một đời người với nhiều khát vọng và hoài bão. Gạt tình riêng, anh quyết tâm vào bộ đội để bảo vệ Tổ quốc. Những trang nhật ký của cuộc đời người lính được anh ghi lại bằng những bài thơ, những bài văn kể chuyện hay các lá thư gửi cho người em trai, gửi bố mẹ, gửi người vợ sắp cưới và gửi bạn bè đều có ghi ngày, tháng và địa danh nơi anh hành quân qua. Cuốn nhật ký của Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh khá dày. Lúc gia đình mới nhận lại từ chiến trường còn nguyên vẹn nhưng do thời gian nên một số trang bị mất hoặc chữ bị nhòe. Cuốn nhật ký gồm hai phần: thơ và văn, những vần thơ ghi lại những chặng đường đã qua, những tình cảm với gia đình, làng xóm, về người yêu sắp cưới...
Lời nói đầu cuốn nhật ký có ghi như sau:
“Lứa tuổi thanh xuân đầy ước mơ và hi vọng, phơi phới lúc 18 tuổi đầu, cuộc đời đầy tương lai và hạnh phúc.
Năm tháng trôi qua thời gian nó cứ cuốn theo nhau trôi đi thầm lặng. Ngày lại ngày tháng rồi lại tháng xa nhà, ta cất bước ra đi trong lòng ôm nặng bao nỗi niềm thương nhớ vô bờ, đắng cay khôn xiết. trong những ngày như thế ta muốn nói hết những gì của tâm trạng lòng ta đối với người thân, người yêu hoặc bạn bè thân thích, khi đó biết bao nhiêu nỗi niềm buồn vui lẫn lộn trong những ngày chinh chiến xa cách quê hương. Nó đều trôi biệt về dĩ vãng và quá khứ.
Bởi vậy từ nay, với quyển sổ nhỏ này, ta sẽ ghi lại những sắc nét đượm tình, những ngày tháng đáng nhớ, những kỷ niệm êm đềm của cuộc chiến chinh phong trần, với bao nhiêu niềm yêu thích hay cay đắng ngọt bùi.
Quê mẹ: 10-12-1974”
Sau đây là một số đoạn thơ trích ra từ cuốn nhật ký của Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh:
Ngày 12-12-1974 trong bài thơ “Tạm biệt quê nhà – Bước chân vào ngưỡng cửa đời lính” có đoạn kết:
Lời vàng ngọc mẹ thầy đã dặn
Ta nguyện làm để trọn đạo hiếu trung
Giờ xa lưu luyến quá chừng
Thôi đành chịu vậy, lạnh lùng ra đi
Hẹn ngày ta trở về khi
Miền Nam giải phóng vui gì vui hơn.
Ngày 20-12 (âl) bài Xa đất mẹ - Hà Tĩnh lại có đoạn:
Qua đồi qua núi dẻo dai
Trường Sơn hiểm trở, ban mai trập trùng
Tết đã hết ta sắp cùng đơn vị
Xa rời thêm cất bước ra đi
Gian nan khổ ải trường kỳ
Bền gan ta vẫn bước đi vững vàng
Ai ra Bắc để lòng ta nhắn
Với quê hương đất mẹ của ta
Người con yêu dấu phương xa
Vẫn luôn trông ngóng quê nhà từng giây
Nhưng giờ bọn giặc còn đây
Thì con đâu thể sum vầy đặng gia
Nguyện khi hết giặc con ra
Cùng quê ta sẽ chan hòa niềm thương.
Quảng Bình 03-1-1975
Trưa 15-2-1975
Lại tiếp tục hành quân mang vác nặng
Vượt dốc đèo rừng núi với ngàn sâu
Núi âm u, trùng điệp – những nhịp cầu
Lòng thảm thiết u sầu cơn mê tỉnh.
Chiều 3-3-1975 Qua sông Bến Hải
Sông Bến Hải một dòng chảy xiết
Cầu Hiền Lương tuyệt đẹp bài thơ
Năm xưa đôi nhịp, đôi bờ
Ngày nay liền nhịp đón chờ xe qua
Trùng trùng non nước về ta
Bắc Nam nối nhịp chan hòa yêu thương.
4-3-1975, Qua biên giới
Biên giới Việt lào chính là đây
Khe Sanh, Đường Chín đã chôn thây
Hàng ngàn tên địch không khoan nhượng
Trăm chiếc chiến xa, xác chất đầy.
Đêm tiền nhập
Ta lại đi tiếp tục cuộc hành quân
Để ngày mai bước vào trận đánh
Đêm hôm nay không thể nào so sánh
Theo xe ta trên đỉnh núi Trường Sơn...
Tất cả đi vào một cuộc hành quân
Đêm hôm nay Long Khánh rộn bước chân
Đất rậm rịt cuộc hành quân thần tốc.
‘Những chặng đường ta đã đi qua của những ngày đi vào chiến trường. Qua mãnh đất Vĩnh Linh kiên cường và sông Bến Hải, qua thị xã Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Gio Linh và sông Cam Lộ, rồi vượt biên giới sang Lào qua đường 9, Khe Sanh. Vượt sông Bạc và sông Ba Lòng qua đỉnh núi Trường Sơn của con đường chiến lược với những đỉnh núi cao ngất, quanh co. Qua sông Pô cô với chiếc cầu phao đơn giản, qua cao nguyên Poloven và ngã ba Đông Dương rồi về Sông Bé, qua Khánh Hòa rồi vượt sông Đồng Nai bằng bàn chân thần tốc, vượt sông La Ngà để bước vào chiến dịch”.
Mồng bảy (đêm)
Cấp tốc hành quân để kịp giờ nổ súng
Ôi mấy hôm nay hành quân chẳng ngủ
Đường hành quân gian khổ khôn lường
Mắt thâm quầng, chân mỏi mệt, đường trơn
Vai nặng trĩu, sên vắt nhiều hơn trấu
Thế gian hỡi ai đã từng chiến đấu
Gian khổ nào bằng gian khổ hôm nay.
Mồng chín tháng tư, Mở màn trận đánh đầu tiên tại Xuân Lộc
Mấy ngày đêm hành quân chiếm lĩnh
Xuân Lộc ơi ta sẽ nhớ suốt đời
Ôi hiểm nghèo khi đạn nổ, bom rơi
Nhưng người ngã có người sau xông tới
Chiến địa này đỏ một màu đất mới
Bom đạn cày chặt trụi những vườn cây...
Ngày 10/4/1975, Khóc Dương Thanh Hồng hi sinh tại Xuân Lộc
Hồng ơi sao đến nỗi này
Âm dương cách biệt mẹ thầy sầu thương
Từ nay chia cắt đôi đường
Tau đâu còn thấy đoạn trường khi xưa
Hôm qua đang lúc ban trưa
Mi còn ôm súng say sưa diệt thù
Xông pha khói lửa mịt mù
Trên đường chiến thắng quân thù đồ vây
Nào ngờ khi đã về đây
Bỗng nghe mi chết phút giây bàng hoàng...
8/10/1975 Một ngày đáng nhớ, mong ngày sau hội ngộ
Phụng em, người con gái thân thương
Ta quen biết lần đầu tuy chưa phải yêu đương
Nhưng lòng anh sao nhớ thương nhiều lắm
Giờ ra đi lòng day dứt đôi đường.
Những bức thư trên đỉnh Trường Sơn (Gửi em: Phan Thị S...)
Ôi nhớ quá lòng anh xao xuyến quá
Hôm nay đây trên quê người xa lạ
Một mình anh cô quạnh chốn tha phương
Tình anh em nay chia cắt đôi đường
Anh nhớ lắm thủa nào ta đã sống
S. em ơi bao đêm rồi trông ngóng
Lá thư em nóng bỏng những yêu thương....
Lệ Thủy một chiều xuân (Tâm sự cùng em: Phan Thị S...)
Trường Sơn lớp lớp mây mù
Quân đi trong gió vi vu êm đềm
Xe đi trong gió màn đêm
Bánh lăn nhè nhẹ êm êm mặt đường
Anh đi giữa lúc đêm sương.
04-03-1975: Lại trở lên thùng xe để hành quân, lúc này mưa đã ngớt. Mới chỉ có một ngày đầu của cuộc hành quân mà kiểm tra lại đã có một số người mất mát. Trung đội chúng tôi bị mất nguyên một thùng đạn. Chúng tôi có biết đâu rằng, nếu số đạn đó sau này nơi chiến địa giáp mặt với kẻ thù thì làm gì phải dè sẻn từng viên đạn, và cũng chỉ mới là gian khổ bước đầu thôi mà đã có mấy thằng “đào tẩu”. Thật hèn nhát vô cùng.
13h ngày 12/08/1976
Đã khá lâu rồi mình không nhận được thư nhà. Hôm nay nghe tin anh Tri đi phép đã vào mình vội chạy lên thì nhận được thư lại còn quà nữa chứ. Tay mình run run bóc vội những lá thư và mình đọc ngấu nghiến. Một thư, hai thư, rồi ba thư. Tim mình se lại khi khi tin H. đã lấy chồng. Tuy rằng điều này mình đã dự tính trước... Mắt mình nhòa lệ khi đọc những lá thư cha, thư chị với những lời trách móc nhưng rất chân thành. Lại còn lá thư của đứa em gái còn bé bỏng với những câu là “từ nay anh đã mất vợ rồi”.
Xen giữa những vần thơ là những đoạn văn miêu tả lại chặng đường hành quân, những nơi anh từng qua, những người anh đã gặp, là trập trùng Trường Sơn và có một kỷ niệm khó quên là thi bắn súng Tiểu liên AK với Trung tá Tham mưu phó Quân đoàn với mỗi người số đạn 10 viên. Số điểm của Hoàng Thế Vinh là 5 điểm 10, 5 điểm 9. Trong khi đó, số điểm của Tham mưu phó Quân đoàn là 7 điểm 10, 2 điểm 9, 1 điểm 8. Ngày 10/02 Hoàng Thế Vinh được chọn thi bắn ở Quân đoàn với 3 viên đạt số điểm 29.
Cuốn nhật ký với hàng trăm bài thơ, hàng chục lá thư và rất nhiều đoạn văn ghi lại cuộc đời người lính của Liệt sĩ Hoàng Thế Vinh. Cuối nhật ký anh có viết:
Các bạn thân mến!
Nếu có bạn nào được vinh dự xem quyển nhật ký này của tôi – Vâng! Có lẽ gọi là vinh dự thì “hơi ấy” một chút nhưng nó đúng hơn (vì rằng không phải bất cứ ai cũng đều được cái vinh dự đó), thì cái trước hết tôi mong rằng các bạn hãy hết sức thông cảm cho tật viết lếu láo của tôi. Sau đó các bạn hãy tha thứ cho tôi về cách hành văn diễn đạt của “buổi chập chững mới bước vào nghề”. Bởi sự thật mà nói với trình độ “đíp lôm” của tôi thì sự việc mà tôi diễn tả chắc không làm được các bạn hứng thú cho lắm. Nhưng các bạn hãy hiểu cho rằng, đối với tôi không phải một nhà thơ hay một nhà văn mà là một người lính rất bình thường như bao người lính khác. Những ngày tháng trôi qua, tôi muốn ghi lại những cái gì dẫu là bình thường nhất đối với quãng đời chinh chiến của tôi. Và đây, những dòng chữ này không phải là một quyển tiểu thuyết, cũng không phải là ký sự hay truyện ngắn đâu các bạn. Mà đó là những dòng chữ thật lòng. Cho nên nếu có điểm nào sai sót thì cũng mong các bạn rộng lòng thông cảm và khi đọc những sự việc, diễn biến trong này, các bạn chớ có quan niệm rằng: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói ngoa”. Không, không bao giờ có chuyện đó đâu các bạn ạ. Tôi xin nhắc lại lần nữa rằng: Đây là những dòng nhật ký của tôi. Tôi muốn ghi lại hoàn toàn sự thật những việc mà tôi đã từng trải qua và chứng kiến. Cho nên, những tình tiết của sự diễn biến mà tôi đã ghi nó vào đây thì tất nhiên phải đúng sự thật, hoàn toàn sự thật. Vâng! Đúng như thế. Không những thế mà trái lại còn hơn thế. Bởi vì những chi tiết tôi thu gọn trong này nó còn quá ít. Tôi rất đau lòng khi mình diễn tả không được sâu sát, tỉ mỉ và không được hết. Cho nên một lần nữa, tôi mong rằng bạn đọc sẽ thông cảm cho tôi tất cả.
Độc giả thân mến!
Khi đọc xong những ngày cuối cùng trên đây các bạn sẽ không được vui lòng như khi các bạn đang xem một bộ phim mà giữa chừng bị đứt quãng, đáng lẽ tôi phải viết tiếp cho hết những ngày còn lại tiếp đây mới phải. Những ngày mà đầy gian nan thử thách nhưng sôi nổi và rất đáng tự hào, những ngày đỉnh cao của chiến dịch mang tên Bác, những ngày mà ngàn năm mới có một lần. Song! Điều đó đối với tôi là một việc rất khó khăn. Bởi diễn biến của chiến dịch diễn ra không lâu lắm nhưng biết bao nhiêu sự kiện đã xẩy ra trong những ngày cuối cùng đó: ăn đất, ngủ hầm, mưa bom, bão đạn, gian khổ, hi sinh... Tôi có thể nào nói hết được tâm trạng của những người lính chúng tôi lúc đó. Tâm trạng của những người được tham gia chiến dịch. Nói sao hết được lòng dũng cảm, khí phách cách mạng, lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân của mỗi chúng tôi trong những cuộc bao vây, trong những đêm truy kích và cả bằng những bàn chân đất chúng tôi đã chạy đua với xe tăng thiết giáp địch và chạy đua với cả thời gian. Nói sao hết được nỗi vui sướng khi đến giờ thắng lợi, khi các cánh quân đã cùng gặp nhau ở Dinh Độc Lập và rất nhiều, nhiều lắm. Tôi có thể nào nói cho hết được. Do đó mà tôi cũng rất đau đầu khi mình không làm được theo ý muốn, lương tâm tôi nhiều lúc nó cũng cắn rứt, dày vò bởi vì phải lướt qua những ngày vàng ngọc và tôi cũng mong rằng sau này nếu có điều kiện, tôi sẽ ghi nó tiếp hoặc là tôi sẽ trực tiếp kể cho các bạn nghe bằng miệng vậy.
Xin xiết chặt tay bạn. Chào tạm biệt!
Trần Linh