TRI ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM

Thứ ba - 28/07/2015 16:38
Kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2015) “Ôi tổ quốc tôi/Sống thề yêu trọn đời/Chết gửi xương đất nước” (Nhà thơ cách mạng Đặng Xuân Thiều). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, nhiều tấm gương hy sinh quên mình và đại nghĩa chống giặc ngoại xâm. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn và ghi sâu công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên sự hy sinh của đông đảo quần chúng, của chiến sĩ, anh hùng kế tiếp nhau trong lịch sử đã xây đắp nên giang sơn, gấm vóc ngày hôm nay.

Cách đây 68 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm “Ngày thương binh toàn quốc”, trong bức thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Bác Hồ đánh giá cao vai trò của các chiến sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tại cuộc mít tinh các đại biểu đã nghe ông Lê Tất Đắc công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc: "... Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...".  Và Người khẳng định rằng: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002). Từ năm 1955, ngày 27-7 được đổi thành “Ngày thương binh, liệt sĩ” và được tổ chức hằng năm trên cả nước.

 Trước lúc đia xa trong bản “Di Chúc” Người không quyên căn dặn: “  Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm  mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời  phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự  hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.  Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (Nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét “( Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 51, 52).

Thực hiện lời căn dặn của Bác, 68 năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước luôn là mối quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân...ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các đối tượng chính sách.Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hiện nay cả nước có hơn 8,8 triệu  người có ông với nước, trong đó có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, hơn 80.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hơn 1.200 Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động  trong kháng chiến… nhưng đến nay chỉ có gần 1,5 triệu người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của nhà nước, đây là điều trăn trở của những người có trách nhiệm để cần làm tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa hơn nữa đối với những người có công với nước. Để ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, đến nay cả nước đã xây dựng gần 7.000 công trình ghi công liệt sĩ, nhiều công trình trở thành  địa chỉ đỏ về truyền thống lịch sử, có giá trị mỹ thuật cao như: Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9… 5 năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cả nước đóng góp “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” gần 1.500 tỷ đồng, theo đó đã xây mới hơn 55.600 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 căn nhà với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hơn 6.000 Bà mẹ VNAH đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. 98% xã, phường trên địa bàn toàn quốc đã được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Những con số trên cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, phong trào đã thực sự trở thành trách nhiệm chung của xã hội, là nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt Nam và được xã hội hóa sâu rộng để mọi người cùng có trách nhiệm chung tay chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa.

Để thiết thưc chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015), Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015). Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là hơn 384 tỷ đồng.

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau: Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ; đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, cũng là dịp để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên từ suy nghĩ đến hành động phải luôn tâm niệm làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của hàng triệu liệt sỹ. Từ đó khơi dậy mọi sáng tạo, tài năng và sức mạnh của cả dân tộc, góp phần đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, kinh tế đuổi kịp với các nước trong khu vực. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2015 với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội toàn quốc lần thứ XII của Ðảng. Phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tất cả những điều đó chính là sự tri ân ý nghĩa nhất là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây