Gia đình yêu âm nhạc, thương người
Sinh trưởng trong một gia đình cả nhà làm nghệ thuật, cả nhà đều là tướng tá theo đúng nghĩa của từ này: Bố là nhà nho Nguyễn Như Tùng, nhạc sĩ thiếu tướng An Thuyên; mẹ, đạo diễn, trung tá Huyền Lâm; con trai, nhạc sĩ, thiếu tá An Hiếu; con gái, đạo diễn các chương trình sân khấu nhạc kịch, đại úy Bông Mai (bây giờ Bông Mai chuyển sang làm ở Đài truyền hình Việt Nam).
Bố ông, ngoài là một nhà nho xứ Nghệ, thông thạo tiếng Hán còn đã từng làm thư ký cho một hãng buôn gỗ ở Quảng Ninh thời thuộc Pháp.
Năm 1945, ông Như Tùng theo cách mạng, về quê làm chủ tịch liên việt xã, rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa làm ông trắng tay, cả gia đình khốn khổ…
Sau cải cách, được trả lại thành phần, cả nhà ông Tùng thành lập một gánh hát. Nhạc sĩ An Thuyên kể, bố ông hát hay, đàn giỏi; anh trai ông, Nguyễn Anh Cấp, cũng hát hay, biết chơi đàn, kéo nhị, làm họa sỹ vẽ phông cho các buổi biểu diễn. Thời trẻ, Nguyễn An Cấp thường đóng vai nữ, má phấn, môi son y như con gái thật.
Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con. “Đoàn văn công” gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như “Thạch Sanh”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”… An Thuyên được phân công làm “nhạc trưởng”. Gánh hát gia đình nhạc sĩ An Thuyên thời đó thường đi biểu diễn cho cả làng, cả xã và được hợp tác xã trả công điểm…
Được nuôi dưỡng trong gia đình cả nhà đều làm văn nghệ, đều yêu nghệ thuật, ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ, khi lớn lên, An Thuyên lại được tiếp xúc với những văn nghệ sỹ quê nhà. Năm 15 tuổi, chính nhà thơ “đồng hương” Trần Hữu Thung – 1923 – 1999, ở Diễn Châu, Nghệ An. là người đã phát hiện ra những năng khiếu nghệ thuật của An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, thời gian ba bốn năm được phân công đi sưu tầm dân ca ở vùng đất miền Trung đã nuôi dướng tâm hồn ông, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca trong ông. Thế nên khi ông sáng tác, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt, thấm vào từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc mà tự nhiên cất lên thành lời, thành điệu, thành âm thanh…
Cũng dễ hiểu vì sao gia đình ông hiện nay, vợ, các con ông cũng yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật, cũng say mê sáng tạo như ông.
Nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, ông dạy con trước hết là dạy làm người . Làm người trước hết phải có lòng trắc ẩn, phải biết rơi nước mắt trước nỗi đau của con người. Làm người phải luôn nhớ về nguồn cội từ gia đình, từ quê hương, mà cụ thể ở đây là quê hương xứ nghệ, từ củ khoai, củ sắn, từ con ốc, con cua, từ những gì làm nên truyền thống gia đình, quê hương …
“Tôi thường nói với các con rằng bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng , những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ …và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm. Tôi thường dặn con trai An Hiếu, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Tôi cũng dạy con rằng mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang …”, nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự .
Qua điện thoại, đạo diễn trẻ Bông Mai kể: Lên 5 tuổi, bố đã dạy Mai chơi đàn ghi ta. Khi chuyển ra Hà Nội vì nhà không có điều kiện mua đàn, bố đã vẽ ra giấy những phím đàn Piano cho Mai tập. Thi vào trường cao đẳng nghệ thuật, Mai đỗ thủ khoa về múa nhưng bố mẹ muốn Bông Mai học toàn diện các môn nghệ thuật. Bông Mai đã được bố mẹ tạo điều kiện học đủ các bộ môn như thanh nhạc, đàn Piano … “ Bây giờ, khi làm đạo diễn các chương trình nhạc kịch Mai mới thấy việc học toàn diện các môn nghệ thuật là rất cần thiết. "Mai cảm ơn bố mẹ vô cùng”,Bông Mai thổ lộ .
Có công mài sắt
Nhạc sĩ Anh Thuyên sinh năm 1949, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1967, ông vào công tác ở ty văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông nhập ngũ. Năm 1977, ông về công tác ở đoàn văn công quân khu 4…
Ông không chỉ “bạo gan” cắt, xẻ vầng trăng, ông còn bạo gan đem cả gia đình ra Hà Nội với hai bàn tay trắng vào thời điểm như ông nói với tôi “Người xứ Nghệ đói … mắt vàng như nghệ …”.
Gia đình phải ăn nhờ, ở đậu, chuyển chổ ở đến 20 lần, phải ở trên gác xép để làm nghệ thuật. Năm 1992, nhạc sĩ An Thuyên “bạo gan” đảm nhận vai trò hiệu trưởng một trường nghệ thuật sắp giải thể và ông đã thành công. Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là trường đại học) trở thành một trung tâm đào tạo những người làm nghệ thuật danh tiếng với phương châm: mình dạy những gì xã hội cần chứ không phải dạy những gì mình có.
Bây giờ ở tuổi ngoài sáu mươi, nhạc sĩ An Thuyên lại “bạo gan” đảm nhận vai trò trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt
Dù đảm nhận vai trò gì, thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên vẫn say mê sáng tác. Ông viết đều và những ca khúc như “Em chọn lối này”, “Đêm đò đưa nhớ Bác”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương” “Ca dao em và tôi”.., luôn thấm đượm chất dân ca, luôn sống trong lòng những người yêu nhạc. Cho đến nay, ông đã nhận được nhiều giải thưởng về sáng tác của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa …
Tôi nhớ lần ông lái xe ô tô đón tôi qua XÓM NÚI (Sóc Sơn ) nơi có ngồi nhà nghỉ ngoại thành của vợ chồng ông. Tôi thấy vợ ông đang xắn tay dọn dẹp nhà cửa, hai cháu ngoại chạy ra chạy vào ríu rít… Thế rồi tôi bỗng nhớ câu nói của con gái ông: “Bố mẹ luôn dạy chúng cháu coi trọng gia đình, gia đình là số một”.
Tài năng sớm - Người nhạc sĩ của công chúng, đa tài
Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác ca khúc đầu tiên từ năm 15 tuổi, nhưng ca khúc đầu tiên ấn tượng đối với tôi lại là “Em chọn lối này”. Đó là lần ca khúc này xuất hiện trên sân khấu hội diễn Văn nghệ Quân khu Bốn năm 1978, được hát bởi tốp ca nữ của đội Tuyên truyền văn hóa tỉnh đội Nghệ Tĩnh.
Hồi đó An Thuyên đã nhập ngũ được 3 năm, và ca khúc này được anh sáng tác trong chuyến đi cùng bộ đội công binh làm đường ở miền tây Nghệ An. Ca khúc này được tranh luận khi chấm giải giữa nhạc sĩ Ánh Dương, nhạc sĩ Thái Quý và tôi trong Ban giám khảo. Tôi và Thái Quý cho rằng, đây là ca khúc hay, chỉ tiếc là tốp ca nữ biểu diễn chưa xuất sắc nên chỉ chấm giải B, còn nhạc sĩ Ánh Dương thì kiên quyết xếp giải C. Nhưng cuối cùng thì “thiểu số phục tùng đa số”, Ánh Dương đã thuận theo tôi và Thái Quý.
Sau đó không lâu, “Em chọn lối này” được Thanh Hoa hát và phát đi trên làn sóng Đài TNVN gây hiệu quả bất ngờ, rất nhiều người yêu nhạc đã đề nghị phát lại “theo yêu cầu thính giả”. Và tên tuổi An Thuyên được biết đến từ đó. Rồi An Thuyên được điều về đoàn Văn công Quân Khu Bốn với tư cách là nhạc sĩ sáng tác.
Có lần Thanh Hoa khoe với tôi tấm bưu thiếp An Thuyên gửi lời cám ơn ca sĩ đã hát thật hay bài hát này, và trong hình bông hoa, An Thuyên đã lồng bức ảnh chân dung nhỏ xíu của mình trong hình một trái tim được cắt trổ. Có lẽ, đó cũng là một cách cám ơn của người nhạc sĩ xứ Nghệ tài hoa và đa cảm này.
Rồi An Thuyên được Quân khu cử đi học khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt
Được học ở trường, vốn học đã được An Thuyên phát huy trong nghệ thuật sáng tạo của mình. Liên tục những ca khúc như “Trên bến Giang Đình”, “Xe tăng qua miền quan họ”… là những thử nghiệm kết hợp giữa dân gian và hiện đại, tạo nên một bản sắc lạ trong ca khúc Việt
Thời kỳ khởi sắc nhất của An
Thuyên lại chính là thời kỳ anh làm quản lý (Hiệu trưởng trường Cao đẳng VHNT quân đội, sau đó là Đại học VHNTQĐ). Hàng loạt những ca khúc của anh được công chúng đón nhận như Hành quân lên Tây Bắc, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương, Ca dao em và tôi…
Còn nhớ vào khoảng 1996, VTV làm chương trình giới thiệu Tác phẩm mới tại Đại học Văn hóa Hà Nội của 4 tác giả là Phó Đức Phương, Từ Huy, An Thuyên và tôi, bài “Ca dao em và tôi” của An Thuyên gây tranh luận giữa các khán giả sinh viên về ca từ của bài hát này, có người cho rằng không nên “chặt đôi câu thơ” vì nghe nó phản cảm quá.
Nhưng rồi cũng chính vì cái “cảm giác mạnh” đó mà bài hát lại khiến cho nhiều người yêu thích nó. An Thuyên giải thích rằng, đó là cảm xúc tự nhiên của anh khi sáng tác, âm nhạc và lời ca tự nó cùng tuôn ra một lúc như thế, và anh không thể thay đổi được. Có lẽ đó cũng là cách sáng tác ca khúc của An Thuyên, nên nhạc và lời của anh luôn chung cảm xúc, không gượng ép.
Cũng trong thời gian làm quản lý, An Thuyên đã viết được một số hình thức âm nhạc bác học như Trương Chi, Đất nước đứng lên gây ấn tượng trên con đường sáng tạo của anh. Đó là những tác phẩm qui mô, đòi hỏi những kỹ thuật cao, cả trong sáng tác lẫn biểu diễn. Khi vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” chuẩn bị công diễn chào mừng Đại hội nhạc sĩ thì nhà văn Nguyên Ngọc tác giả của tiểu thuyết cùng tên lên tiếng trên báo phản đối về bản quyền, nghĩa là chuyển thể mà chưa xin phép ông, nên ông không đồng ý cho công diễn. An Thuyên nhờ tôi thu xếp việc này. Tôi biết nhà văn Nguyên Ngọc là người khó thay đổi chính kiến, nên khuyên An Thuyên phải trực tiếp gặp ông để “hòa đàm”. Nhưng thời điểm đó Nguyên Ngọc đang ở Đà Nẵng. Tôi điện vào Đà Nẵng cho nhà văn Đà Linh, một đàn em thân thiết của Nguyên Ngọc tổ chức cuộc gặp giữa ông và An Thuyên trong đó. Sáng hôm sau, An Thuyên bay vào, và Nguyên Ngọc bất ngờ thấy An Thuyên xuất hiện. Và cuộc “hòa đàm” đã thành công. An Thuyên vui vẻ bay ngay về Hà Nội, và tối hôm đó vở nhạc kịch được ung dung trình diễn tại Nhà hát lớn đúng như dự định. Qua sự kiện này, tôi thấy An Thuyên rất thành tâm, sự thành tâm của người nghệ sĩ luôn cảm hóa được lòng người.
Sau khi nghỉ hưu, An Thuyên vẫn không nghỉ việc. Anh nhận làm giám đốc nghệ thuật cho tập đoàn Bảo Sơn, lập công ty văn hóa An Việt, rồi làm Chủ tịch hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng anh vẫn làm việc rất tận tụy và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Và anh luôn giữ được ngọn lửa cảm hứng để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới trẻ trung và tình tứ: Chú cuội chơi trăng, Chiều sông Thương, Vầng trăng đò đưa…
Không chỉ đam mê âm nhạc, An Thuyên còn có nhiều đam mê thật độc đáo. Mê sưu tập máy hát cổ, mê chụp ảnh… Đến nhà anh, ta sẽ vô cùng bất ngờ trước cả trăm chiếc máy hát cổ chạy đĩa than. Nếu bảo anh đổi máy hát lấy một căn nhà giữa Hà Nội anh vẫn không chịu đổi. Anh thích câu thơ của Esenin: Nếu có ai các vàng để đổi lấy vầng trăng vạn thuở của nước Nga/ tôi vẫn không bao giờ đánh đổi. Với anh, những chiếc máy hát cổ đó không chỉ là vật chất, mà nó còn là tâm hồn anh gửi gắm. Anh đã mua nó qua nhiều chợ mạng của nước ngoài với giá rẻ, và thuê thợ sửa chữa, phục sinh lại những cái máy đã chết cũng với giá rẻ bất ngờ - An Thuyên tâm sự.
Tôi cũng nhiều lần đi công tác cùng An Thuyên, lúc nào cũng thấy anh lăm lăm máy ảnh trên tay. Máy ảnh đắt tiền hẳn hoi. Và những ống kính tê-lê bự như của phóng viên. Anh bảo có ống kính còn đắt tiền hơn cả máy. Xe dừng ở đâu anh cũng tìm được cái để chụp. Cầu Hiền Lương, cột cờ Bến Hải, hoa dại, pháo hoa… đều gây cho anh những cảm xúc về sắc màu, ánh sáng… Nhiều bức ảnh của anh được triển lãm, được lưu giữ như những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa.
Và An Thuyên mê gì nữa? “Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?” - anh tự thú trước công chúng.
Vậy mà An Thuyên đã đột ngột đi về chốn vĩnh hằng.
Chiều nay, sau khi An Thuyên qua đời 30 phút, tôi nhận được điện thoại từ ca sĩ Sao mai Bùi Lê Mận, người hát thành công nhiều bài hát của An Thuyên, báo tin: “thầy Thuyên đã đi rồi bố ơi”. Giọng Mận run run như đang khóc.
Tôi lập tức đưa tin buồn ấy lên Facebook chia sẻ với cộng đồng mạng, và chỉ một lát sau đã thấy hàng nghìn người đổ vào chia buồn và thương tiếc người nhạc sĩ, người thầy, người đồng chí thân yêu của họ. Vâng, An Thuyên là người nhạc sĩ của công chúng đông đảo, và anh ra đi, công chúng yêu nhạc mãi mãi nhớ thương anh
Sự nghiệp rạng ngời
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim hồi 17h40 ngày 3/7 tại bệnh viện Quân y 108. An Thuyên ghi dấu ấn riêng ngay từ những sáng tác đầu tiên: Em chọn lối này (1971) và Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (1974).
Nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung của An Thuyên được đông đảo người nghe yêu thích như Ca dao em và tôi, Huế thương, Neo đậu bến quê... Ông còn viết kịch hát, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...
An Thuyên giành giải Nhất cuộc thi Ca khúc toàn quốc 1985 vớiTiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải chính thức của Bộ Quốc phòng - Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải Nhất của Bộ VH-TT&DL và Hội Nhạc sĩ Việt Nam -Xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995); Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Chín bậc tình yêu (1992). Mới đây ông nhận giải Cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng. Chương trình Bài hát Việt tổng kết 10 năm cũng trao giải Cống hiến cho An Thuyên vì công gây dựng giải thưởng này ngay từ những ngày đầu.
Ông công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An từ năm 1967. Năm 1975, vào bộ đội rồi về Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, ông về trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội công tác và làm quản lý từ năm 1991, góp phần quan trọng xây dựng trường từ quy mô Trung cấp lên Đại học.
Người thầy yêu lớp trẻ như yêu bản thân!
"Tôi yêu lớp trẻ, sẵn sàng cống hiến và luôn học tập được nhiều điều từ lớp trẻ, để mình luôn được trẻ hơn, để luôn sáng tạo...”, nhạc sĩ An Thuyên đã chia sẻ sau khi vinh dự nhận được giải Cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô và giải Cống hiến của Chương trình Bài hát Việt vào cuối năm 2014. Cả 2 giải thưởng này đều tôn vinh ông vì cống hiến cho lớp trẻ.
Mới đây thôi, trong một ngày Hà Nội nóng như chảo lửa, nhạc sĩ An Thuyên dành cho biết: “Ông viết thế nào cũng được, không cần phải xem lại nhưng phải làm thế nào cho... khác lạ đi”.
“Tôi đang viết, chưa tổng kết vội!”
Vị nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng khoe vừa vinh dự nhận được giải Cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô, do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng. Chương trình Bài hát Việt vừa tổng kết 10 năm cũng trao giải Cống hiến cho An Thuyên – vì ông là người đã có công sức gây dựng giải thưởng này ngay từ những ngày đầu. Về sự nghiệp sáng tác, ông bảo, “không thích nói lại, không thích nhìn lại, không thích tổng kết”, bởi 20 năm gắn bó và làm Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đâu có ảnh hưởng đến “sáng tác” của An Thuyên. Thế nên, nhiều công ty muốn dựng chương trình ca nhạc về An Thuyên, để bán vé kinh doanh ông đều từ chối hết ngoài Con đường âm nhạc mà VTV đã làm mà cũng đã “từ khá lâu rồi”! Ông bảo: "Tôi đang viết, chưa tổng kết vội!"
Cả 2 giải thưởng này đều tôn vinh An Thuyên vì cống hiến cho lớp trẻ. Ông tự hào về điều đó, bởi “Tôi yêu lớp trẻ, sẵn sàng cống hiến và luôn học tập được nhiều điều từ lớp trẻ, để mình luôn được trẻ hơn, để luôn sáng tạo...”
Vị Thiếu tướng cũng không ngại thổ lộ rằng: "Sơn Tùng M-TP mà vào tay tôi thì đã khác. Tiếc rằng, tôi không còn làm hiệu trưởng chứ nếu còn làm, dứt khoát tôi sẽ tuyển thẳng Sơn Tùng về học sáng tác...! Phải yêu lớp trẻ, phải sống cùng lớp trẻ, phải biết lớp trẻ cần gì, vì nghệ thuật có thời đại của nó cuộc sống của nó, không ai sống mãi với cái cũ được..." - An Thuyên nhấn mạnh.
Lên rừng xuống biển tìm học sinh
An Thuyên chia sẻ rằng, ông về trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm quản lý từ năm 1991. Khi đó trường chỉ có 7 giáo viên và 11 học viên và đang đứng bên bờ giải thể với nguyên nhân là đào tạo "cái" xã hội không cần. Từ một trường Trung cấp, 2 năm sau, trường vào guồng đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng. Ông lại cùng với Lãnh đạo Quân đội nhóm lửa một sự nghiệp lớn mới với chiến lược là "dạy cái xã hội và quân đội cần" và định hướng xây mái trường "Chiến sĩ - Nghệ sĩ"
Từ một trường không có phiên hiệu, tên tuổi, năm 1995, trường được lên cao đẳng và đến năm 2006 thì lên đại học, một sự nghiệp đào tạo đầy vinh quang. Gần 20 năm ông nhóm lửa rồi cùng tập thể thổi bùng ngọn lửa cho biết bao thế hệ học trò thành những tài năng quân đội và đất nước.
An Thuyên yêu lớp trẻ như yêu bản thân. Thời làm Hiệu trưởng, ông tuyên bố: "Đốt đuốc đi tìm nhân tài"! Ông lặn lội lên rừng xuống biển tìm học sinh. Miền núi với con em các dân tộc ít người là tình yêu đặc biệt của ông. Hàng ngàn học sinh dân tộc được ông tuyển về, được Bộ Quốc phòng chăm lo, tạo điều kiện rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội, thành tài năng, ra trường làm người lính trong dân, hoạt động văn hoá nghệ thuật xây dựng và bảo vệ đất nước.
Có lẽ duy nhất ở VN, có ông Hiệu trưởng trường nghệ thuật luôn tìm đến các cuộc thi ca hát, công khai tuyên bố trước bàn dân thiên hạ: "tuyển thẳng" về trường bằng một giấy phép của quân đội. Cách tuyển sinh đó phá bỏ những quy tắc cứng nhắc, vì người học, vì nhân tài.
Người luôn nặng lòng với quê hương
Xin được mượn mấy câu thơ của tác giả Hà Thủy để nói lời tiễn biệt với nhạc sĩ An Thuyên, một người con xứ Nghệ suốt một đời nặng lòng với quê hương: “Vậy là anh đã ra đi/ Bến quê neo đậu còn gì nữa đâu/ Ca dao anh bắc nhịp cầu/ Vầng trăng cắt nửa hai đầu chia xa”.
Tỉnh Nghệ An, đất ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ từ khi còn thơ bé. Tuổi thơ của ông gắn liền với hạt lúa, củ khoai, những năm tháng nghèo đói triền miên.
Từ trong đói khổ, người dân nơi đây vẫn ngân nga câu hát ru, vẫn thiết tha điệu hò, câu ví quê nhà. 11 tuổi, An Thuyên đã có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. 15 tuổi, cậu bé An Thuyên đã sáng tác ca khúc đầu tiên “Nối gót anh hùng” trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.
Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Hai năm sau, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV, sau đó được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, An Thuyên về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu.
Dành trọn cuộc đời cho âm nhạc, đến nay, nhạc sĩ An Thuyên đã để lại một kho tàng những ca khúc gắn liền với nhiều thế hệ người Việt. Ca khúc nổi tiếng đầu tiên gắn với tên tuổi của nhạc sĩ An Thuyên (khi đó nhạc sĩ 21 tuổi) là “Em chọn lối này”, được viết theo làn điệu dân ca Thái, Nghệ An. Đặc biệt, những bài hát của ông luôn gắn liền với quê hương như “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”...
Nghe những ca khúc này, mới thấy được nhạc sĩ An Thuyên yêu quê hương đến mức nào. Yêu quê từ những hình ảnh thân thuộc, ấy là cây đa, bến nước, con đò, là câu ca dao xưa của bà, của mẹ, là những đêm trăng hò hẹn.
Nhạc sĩ An Thuyên đã có khoảng thời gian 5 năm đi sưu tầm dân ca trong thời kỳ chiếc tranh ác liệt. Lặng lẽ, miệt mài, ông đã thu âm được hàng trăm bài hát dân gian có giá trị... “Nhạc sĩ An Thuyên là một trong những thế hệ đầu tiên làm công tác điền dã, sưu tầm dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Cùng với các nhạc sĩ như Hoàng Thọ, Lê Hàm, Văn Thế..., An Thuyên đã có công lớn trong việc phát triển âm điệu dân ca thành những ca khúc. Ông đã có vai trò quan trọng trong việc lôi đẩy âm vực, khúc thức ca dao, dân ca lên thành tác phẩm độc lập, được cả xã hội ghi nhận”, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Di sản văn hóa dân ca ví, giặm xứ Nghệ cho biết.
Suốt một đời nặng lòng với quê hương, giờ đây, trái tim người nghệ sĩ đã “neo đậu bến quê” nhà. Dù nhạc sĩ An Thuyên đã đi xa, nhưng tôi vẫn còn nghe đâu đó những ca từ còn vang ngân mãi “Người về neo đậu bến mô, hồn tôi bến quê neo đậu...”.
Người thân, nghệ sĩ thương tiếc dâng trào đến nghẹn lòng
Chiều 3/7, khi hay tin nhạc sĩ An Thuyên qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp. Vợ nhạc sĩ là bà Ngô Huyền Lâm rất sốc vì không thể tin vào cái chết đột ngột của chồng.
Bà Ngô Huyền Lâm vợ nhạc sĩ An Thuyên không tin vào sự thật.
Bà Ngô Huyền Lâm, vừa khóc vừa chưa hết choáng váng như không thể tin vào sự thật. Bà nghẹn ngào bảo hôm qua mới mua cặp vé để hai vợ chồng xem nhạc kịch thì hôm nay ông đã ra đi.
Những dòng tâm sự đầy nước mắt của ca sĩ Bông Mai, con gái của nhạc sĩ An Thuyên ; trên trang facebook cá nhân, ca sĩ Bông Mai viết: "Đêm nay ngập tràn ảnh ba, nó khiến cho trái tim con càng như muốn ngừng đập. Đêm nay, đêm đầu tiên con xa ba mãi mãi".
Rạng sáng 4/7, ca sĩ, BTV Bông Mai - con gái duy nhất của nghệ sĩ An Thuyên - nén đau thương, mất mát để bày tỏ tình yêu dành cho cha trên trang cá nhân: "Giờ gần 40 tuổi, tôi vẫn núp bóng ba bởi tôi luôn mong ước mình nhỏ bé, mãi mãi nhỏ bé dưới cây đại thụ ấy. Giờ gần 40 tuổi, tôi vẫn là công chúa của ba bởi bất cứ việc gì ba cũng có thể giải thích cho tôi hiểu. Ba là vị vua của cả một vương quốc mang tên tri thức!".
Cái ôm tràn đầy tình yêu thương của cha An Thuyên dành cho con gái Bông Mai.
Trước khi đi công tác vào tháng 6, Bông Mai còn nhắn tin cho cha và dặn dò: "Ba ơi! Ba đi ngủ sớm để mai đi cho đỡ mệt ba ạ. Ba yên tâm là con lúc nào cũng ở cạnh ba nên việc gì con cũng làm được. Chỉ cần ba cố gắng cùng với con là được. Con là con gái của ba, giống ba nên nhất định mọi việc ba và con đều không bỏ cuộc ba nhé".
Tin nhạc sỹ An Thuyên đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim khiến giới văn nghệ sĩ cùng những người yêu mến nhạc của ông vô cùng đau xót.
Nhiều người thậm chí không tin vị nhạc sĩ tài ba này ra đi sớm là sự thật vì cách đây 2 ngày ông vẫn còn rất khoẻ mạnh, chia sẻ nhiều hình ảnh vui vẻ về chuyến đi công tác ở nước Đức.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương chia sẻ: “Thầy ơi! Con biết nói gì đây, điều gì thế này? Con không tin vào tai mình khi nghe thông tin này. Một người thầy, một người cha của con, một người nhạc sĩ An Thuyên tài hoa của đất nước. Con đường nghệ thuật của con bắt đầu từ thầy, nếu không có thầy sẽ chẳng có ai phát hiện ra cô gái nhỏ Quảng Ninh này. Thầy thương con như con gái của thầy và thầy luôn gọi con là “bông hoa Quỳnh Hương” nhưng bông hoa này chưa đền đáp được ơn thầy ngoài những sự quan tâm hỏi thăm.
Con vẫn còn nhớ khi còn là cô sinh viên con luôn nói con sẽ cố gắng phấn đấu sau này con nuôi thầy nhưng có bao giờ con làm điều đó được mà vẫn chỉ có thầy vẫn dõi theo từng bước con đi, những lúc buồn vui trong nghệ thuật con lại được chia sẻ cùng thầy và con luôn nhận được những lời động viên để con vượt qua tất cả.
Tình thầy trò, cha con chỉ con rất hiểu, vì còn một người hiểu giờ đã đi về với đất Phật rồi. Giờ mọi lời nói cũng chẳng là gì, con chỉ lặng lẽ nhìn trời cao vì biết thầy đang ở nơi đó. Có lẽ thầy từ thiên đàng nào đó xuống nơi đây để cho đời những bài ca, cho những tình thương và giờ đã xong nhiệm vụ thầy trở về nhà mình nơi thiên đàng. Còn riêng con khi nhớ thầy con sẽ không còn được điện thoại hay xin gặp thầy được nữa nhưng con sẽ ngước lên trời cao để nhìn về phía thầy và con biết được thầy đang yên bình bên tiên, Phật…
Sẽ không còn những nỗi buồn nhân thế chạm được đến thầy nữa. Con mãi là “bông hoa Quỳnh Hương” của thầy lặng lẽ toả hương như thầy vẫn dậy con. Dù thầy ở nơi cao xa thì thầy hãy luôn mỉm cười vì con sẽ không làm thầy thất vọng. Con sẽ tiếp tục trưởng thành như những gì con đã hứa với thầy. Cảm ơn thầy đã có mặt trên cuộc đời này. Con sẽ vẫn tiếp tục nói con yêu thương thầy, cha của con ơi..!”
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, một người đồng hương, đồng nghiệp và là một bạn thân khi hay tin nhạc sĩ “Ca dao em và tôi” qua đời đã thốt lên: “Bệnh viện Quân y 108 cho biết nhạc sĩ An Thuyên bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay khi vừa được đưa vào viện cấp cứu lúc 16h20' chiều nay, 3/7/2015, nhạc sĩ An Thuyên đã rơi vào tình trạng ngưng tim. Quá đột ngột. Hôm kia An Thuyên còn gọi điện cho tôi gửi gắm vài điều. Trưa qua tôi cũng vừa báo tin vui cho Thuyên là 2 bài hát của Thuyên tham dự liên hoan ca múa nhạc CĐVCVN đạt giải Vàng và hẹn cuối tuần gặp nhau. Vậy mà đã kẻ âm người dương... Xin chia buồn cùng Huyền Lâm và các cháu. Mong Lâm và các cháu vượt qua mất mát lớn lao này”.
Đạo diễn Phan Huyền Thư cũng đớn đau thương tiếc vị nhạc sĩ tài ba xứ Nghệ: "Tôi không dám tin việc chú ra đi đột ngột như vậy là một định mệnh. Có thể, trái tim mệt mỏi của chú đã phản bội lại những đam mê và khát khao cuộc sống của chú. Nhưng dù sao thì tim tôi cũng nhói đau, nó cũng đang không chịu nghe lời tôi khi cứ dồn dập liên hồi..."
Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số ít những nhạc sĩ sáng tác đều tay. Hàng chục ca khúc của ông được công chúng yêu mến như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...
Điều đưa âm nhạc của ông chiếm được trái tim người nghe là những giai điệu nặng lòng mảnh đất nơi mình 'chôn rau cắt rốn'. Tình yêu với dải đất miền Trung luôn cháy bỏng trong tái tim ông, đến nỗi, dù sống ở thủ đô bao nhiêu năm nhưng ông vẫn giữ âm sắc Nghệ An trong giọng nói, hàng ngày vẫn uống nước lá từ quê gửi ra.
Nhạc sĩ chia sẽ: “Trong cuộc đời tôi có những lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác năm 1973. Lần thứ hai là khi viết bài Neo đậu bến quê năm 1993, khi tôi bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được Úp mặt vào sông quê. Lần thứ ba là khi viết bài Mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994, khi Bộ Chính trị lần đầu tiên quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có công với đất nước. Và một lần nữa, ấy là lúc viết Tiếng đàn khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa", nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.
Trong ước nguyện cuối cùng trước lúc đi xa, nhạc sĩ An Thuyên cho biết: "Ngành âm nhạc của tôi biết bao nhiêu tài danh cần phải được ghi nhận và tôn vinh đúng mức . Tôi tin sẽ tới những ngày tốt đẹp đó”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn