BÍ QUYẾT CHO THU GẦN 300 TRIỆU ĐỒNG/HA/NĂM CỦA GIA ĐÌNH ANH LÂM

Thứ hai - 13/06/2011 08:08
      “ Bắt đầu làm cái gì cũng không phải dễ ăn, cũng sóng gió, cũng bầm dập, cũng thất bại nhiều lắm!” Anh Lâm giãi bày
        Bán hết đất đai được mấy chục triệu, vợ chồng “khăn gói quả mướp” từ Quốc Oai – Hà Tây (cũ) nay là Hà nội vào ấp Thanh Kiều xã Thanh Lương huyện Bình Long năm 1995. Thấy mọi người trồng cà phê, hồ tiêu vợ chồng anh Lâm cũng dồn hết vốn liếng mua được 0,45 ha đất và vay mượn của họ hàng bắt đầu trồng cà phê, hồ tiêu như bao gia đình khác ( Lúc đó 2 cây này có giá lắm). Rồi 3- 4 năm sau đó cà phê rớt giá thê thảm anh chị bỏ cà phê, mua thêm 0,4 ha nữa trồng được 2000 nọc tiêu.

Bao công sức đầu tư vốn liếng, chăm sóc vất vả đến ngày thu hoạch thì giá tiêu cũng rớt dần, thêm vào đó những trụ tiêu cứ chết rải rác dần để trơ trọi những cột bê tông “cô đơn, hưu quạnh” một mình, nay vườn tiêu chỉ còn lại 1 nửa.

 Không nản chí gia đình anh lại tiếp tục vay mượn để chăm sóc số tiêu còn lại và bắt đầu xây chuồng nuôi heo với quy mô 7-10 con nái ( mặc dù nhà ở còn tạm bợ).

Bụng mang bầu nhưng vợ anh - chị Nhung vẫn cần mẫn cùng chồng đào hố bón phân cho tiêu và nuôi heo. Rồi những lúc thăng trầm của nghiệp nuôi heo như dịch bệnh, giá thức ăn, giá heo thịt bấp bênh cũng không buông tha, gia đình anh chị có lúc tưởng như gẫy cánh . Nhưng bản tính chất phác, chăm chỉ và sự tự tin không làm anh chị chùn bước, mấy năm nay đàn heo nái ổn định 6 con, với 60-70 con heo thịt/lứa, một năm 2 lứa.

 Từ năm 2007 anh chị nuôi thêm gà đẻ, hiện nay có 80 mái đẻ lấy trứng, thuê máy ấp mỗi tuần cho ra lò khoảng 130 con gà con

Không dừng ở đây, năm 2010 xem VTV2 hướng dẫn, anh mạnh dạn mua 45 kg giống kỳ nhông ở Bình Thuận về nuôi vơí giá 350.000 đ/kg, tuy nhiên do ban đầu không phù hợp khí hậu nên kỳ nhông chết một nửa, đến cuối năm 2010 anh bán được 30 kg kỳ nhông thương phẩm với giá 500.000 đ/kg (cómối tiêu thụ ở TPHCM). Trong chuồng còn lại 70 kg, hiện nay anh còn mua trữ hơn chục tấn điều và đang có ý định mở xưởng chế biến để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tổng lãi ròng là 290 triệu đồng/ha/năm. (đã trừ hết mọi chi phí) trong đó: 120 triệu từ heo, 100 triệu từ hồ tiêu, 40 triệu từ gà đẻ, 30 triệu từ kỳ nhông. 

Bí quyết làm giàu thật đơn giản nhưng cũng không dễ làm 

 Với gần 1 ha đất mà trừ hết chi phí còn lời gần 300 triêu/năm (số khiêm tốn) quả là một con số không nhỏ. Tôi hỏi: “anh có cách, hay bí quyết gì hay vậy”? anh tâm sự thật lòng:  Tôi chỉ là người bình thường thôi, có một số người họ có tới mấy chục đến cả  trăm ha cao su,  họ nhiều đất thì giàu là lẽ đương nhiên nhưng những người nhiều đất trồng cao su như vậy không nhiều, còn đa số ở đây là người ít đất. ban đầu tất cả đều trồng tiêu, nay tiêu chết nhiều quá nên không biết làm gì để có thu nhập, tôi cũng là một trong số đó, “Đói thì đầu gối phải bò” nên bí quyết không cò gì ghê gớm hay to tát cả.

 

 

Nhưng để có được như ngày hôm nay phải nói rằng điều đầu tiên đó là vợ chồng luôn hòa thuận, vui vẻ, cùng đồng cam cộng khổ, nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn nhất là những lúc tiêu chết hàng loạt, heo bị bệnh, rớt giá, thua lỗ .v..v , rồi tiếc tiền vì đất ỏ quê bán rẻ quá ( nay Quốc oai thuộc Hà Nội, cũng mảnh đất đó họ bán được cả mấy chục tỷ đồng) rồi vợ chồng suy nghĩ rằng giàu nghèo cũng do mình cả.

Điều thứ 2 là ham học hỏi, áp dụng KHKT, mạnh dạn đầu tư nuôi, trồng những cây con mới, dần dần đúc kết kinh nghiệm, vợ anh đã tham gia lớp huấn luyện về thú y do trạm thú y huyện tổ chức để làm bác sĩ thú y cho gia đình.

Điều thứ 3 là các con của anh chị  đều chăm ngoan, học giỏi .

Thực ra thu nhập không nhiều so với một số người nhưng cũng không phải là ít so với đa số các hộ có diện tích đất khiêm tốn như vậy, ít đất thì phải lồng ghép với chăn nuôi mới có hiệu quả, phải phòng bệnh cho tốt, chăm chỉ, chịu khó tìm tòi để có hướng đi phù hợp cho riêng mình.

Mặc dù rất bận công việc gia đình nhưng anh còn tham gia công tác xã hội làm phó trưởng ấp Thanh Kiều.

Vâng! Bí quyết của anh Lâm thật đơn giản nhưng không phải dễ làm ở tất cả các gia đình đâu. Tôi rất tâm đắc với bí quyết này vì cho rằng tuy đơn giản nhưng nó lại là hạt nhân, là yếu tố quyết định để sinh sôi nảy nở những bí quyết khác dẫn tới thành công hôm nay của gia đình anh Lâm nói riêng và các gia đình khác nói chung.

 
 
Chuồng nuôi heo và kỳ nhông của gia đình anh Lâm. Ảnh: Thị Hạnh.

 


Thị Hạnh 

Trạm khuyến nông - thị xã Bình Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây