Ảnh: Toàn cảnh hội nghị
Nhằm tổng kết, đánh giá Đề án phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống sự xâm hại của tệ nạn xã hội vào gia đình và Đề án truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2007 – 2010, ngày 24/11/2010 Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống sự xâm hại của tệ nạn xã hội vào gia đình và Đề án truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2007 – 2010.
Kế hoạch thực hiện Đề án được chia thành từng giai đoạn: 2005 – 2006 Bình Phước được Trung ương chọn làm điểm triển khai cho các tỉnh Miền Đông Nam Bộ,. Xã Tiến Thành thuộc thị xã Đồng Xoài và xã Thanh Phú thuộc huyện Bình Long (nay thuộc thị xã Bình Long) được chọn làm điểm để nhân rộng mô hình này; đến giai đoạn 2007 – 2010, Đề án tiếp tục được triển khai trên địa bàn 46 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, Trung ương đầu tư cho xã Nghĩa Trung thuộc huyện Bù Đăng từ năm 2007 đến nay, với kinh phí mỗi năm trên 25 triệu đồng.
Trong những năm qua, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện Đề án đã khẩn trương chỉ đạo các ban, ngành có liên quan thực hiện tốt các yêu cầu của Đề án. Ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án, nhóm xung kích, Ban chủ nhiệm CLB và tổ hòa giải ở cơ sở. Ban VH-XH tuyên truyền trên loa đài về mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án đến tận thôn ấp để người dân được hiểu hơn về Đề án và tham gia vào CLB gia đình phát triển bền vững. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 232 CLB gia đình phát triển bền vững được thành lập tại 46 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị, trong đó, có 17 CLB thuộc kinh phí Trung ương, 155 CLB do Tỉnh xây dựng theo kinh phí địa phương, 60 CLB được đầu tư từ nguồn ngân sách cấp huyện, thị xã. Về hoạt động nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình: Đến nay, trên toàn Tỉnh có 232 nhóm xung kích tại 46 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Qua 4 năm triển khai, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn có xu hướng ngày càng giảm. Cụ thể năm 2007 có 76 vụ trên địa bàn 8 xã thực hiện Đề án, bình quân 9,5 vụ/xã/năm. Đến năm 2010, có 247 vụ trên địa bàn 46 xã, bình quân 5,63 vụ/xã/năm. Các vụ xảy ra trên địa bàn triển khai Đề án hầu hết đều không ở mức nghiêm trọng làm chết người hoặc buộc phải thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, chủ yếu dừng lại ở mức độ đưa ra góp ý tại cộng đồng dân cư. Như vậy việc triển khai 2 Đề án này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mà còn giảm tình trạng BLGĐ cả về số vụ lẫn mức độ nghiệm trọng.Thông qua Hội nghị tổng kết, UBND tỉnh cũng đã kịp thời khen thưởng, tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, phối hợp thực hiện Đề án phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống sự xâm hại của tệ nạn xã hội vào gia đình và Đề án truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2007 – 2010.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn