Xưa nay, ở nước ta và ngay cả trên thế giới hiếm có vị lãnh tụ nào dành nhiều tình cảm, suy nghĩ và cả thời gian vật chất quý báu cho các cháu thiếu niên nhi đồng như chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn giản là một tình cảm thông thường. Đó còn là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với ý thức rõ rệt là các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai.
Ở mỗi giai đoạn cách mạng, khi vận động tập hợp quần chúng, khi tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Bác Hồ đều có thư và thơ cho thiếu nhi.
Từ năm 1925, sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng, Bác đã chỉ thị về nước, lựa chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài để đào tạo. Trong số những thanh niên được Bác Hồ quan tâm có anh Lý Tự Trọng – người sau này đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Như chúng ta đã biết, sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Lúc này, hơn lúc nào hết cần tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, đồng tâm hiệp lực triệu người như một dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, anh dũng đứng lên đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc cho chính mình. Thời gian này (năm 1941, 1942) Bác viết một loạt bài thơ và bài ca kêu gọi mội tầng lớp, trong đó có thiếu nhi, tùy theo sức lực của mình, cùng toàn dân cứu nước, cứu nhà. Hai bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” và “Trẻ chăn trâu” của Bác ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đó. Hai bài thơ đầu tiên Bác viết cho thiếu nhi bằng thể thơ lục bát truyền thống. Mở đầu bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” là những lời lẽ hết sức giản dị, thực tế và chứa chan tình yêu thương: “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan /Chẳng may vận nước gian nan /Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng /Học hành giáo dục đã không /Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa /Sức còn yếu, tuổi còn thơ /Mà đã khó nhọc cũng như người già /Có khi lìa mẹ, lìa cha /Để làm tôi tớ người ta bên ngoài"(Kêu gọi thiếu nhi).
Rõ là những lời nói từ trái tim đến với những trái tim, những lời nói cho thiếu nhi mà cũng cho tất cả mọi người. Bác nói những điều mắt thấy tai nghe về cảnh cơ cực lầm than của trẻ em khi vận nước gian nan. Bác đặt câu hỏi Vì ai? Ở cả hai bài thơ: Vì ai nên nỗi thế này, Vì ai ta phải…và Bác chỉ đích thị: “-Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn/Khi ta nước mất nhà tan/Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa (Kêu gọi thiếu nhi). “Ấy là vì Nhật, vì Tây /Ra tay vơ vét đọa đầy chúng ta /Làm cho tan cửa nát nhà /Trẻ con vất vả người già đắng cay” (Trẻ chăn trâu).
Vì vậy, tất cả chúng ta phải đoàn kết lại“Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em ta mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”(Trẻ chăn trâu). Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có biết bao tấm gương thiếu niên nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười...
Giàu tình nhân ái đối với mọi kiếp người, Bác Hồ cũng luôn thường trực tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu nhi. Người gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng: “Vở này ta tặng cháu yêu ta /Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là /Mong cháu ra công mà học tập /Mai đây cháu giúp nước non nhà” (Tặng cháu Nông Thị Trưng - 1944).
Trước cách mạng tháng 8, trong khi kêu gọi thiếu niên đoàn kết đấu tranh góp phần vào công công cuộc giải phóng dân tộc, Người không quên nhắc đến trách nhiệm của các em: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”. Đó là những “việc nhỏ, nghĩa lớn”. Bác khích lệ các em rằng biết lễ phép, vệ sinh, biết giúp đồng bào khi gặp khó khăn, nghĩa là tự rèn luyện mình cũng là tham gia kháng chiến.
Sau Cách mạnh tháng 8, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí minh khuyên bảo, nhắc nhở các cháu thiếu nhi luôn nhớ tới trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Bác chỉ rõ, học sinh được may mắn tiếp nhận một nền giáo dục mới, độc lập “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (Thư của Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường).
Nhớ lại ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm 1950, trên báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950, đăng bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6. Trong thư Bác viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Chúng ta cảm động trước tình cảm, lời hứa và trách nhiệm của Người dành cho thiếu nhi: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...”(Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6 (1-6-1950) ).
Từ sau Cách mạng tháng Tám, gần như năm nào cũng vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hay Tết Trung thu… Bác đều viết thư cho thiếu niên, nhi đồng với lời lẽ luôn ân cần, trìu mến, chí tình, Bác luôn căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ, để đưa nước nhà “tiến kịp các nước khác trên toàn cầu”.
Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”(Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 57, 60).
Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về trẻ em cũng đã được Hiến pháp 2013 đề cập, quan tâm. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Do đó vấn đề trẻ em được thể hiện tại Khoản 1, Điều 37 như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em chưa đầy đủ, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức so với các nhóm quyền khác (quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ).
“Lắng nghe trẻ em nói” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2015, đây cũng là lần thứ 26 phát động Tháng hành động vì trẻ em tại Việt Nam ( từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2015) hướng tới mục đích: Thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; vận động cho việc xây dựng luật pháp, chính sách bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em, cụ thể là quy định chi tiết việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và phát động toàn xã hội tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến của trẻ em thông qua các hoạt động: lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp và tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 4.
Tài liệu tham khảo:
-Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng, tác giả Nguyễn Đông Thức, NxB Thanh niên , năm 2010
-Bác Hồ của chúng em, NxB Kim Đồng, tháng 08 năm 2007
-Khoản 1, Điều 37, khoản 2, Điêì 58 Hiến pháp sửa đổi năm 2013, NxB CTQG, năm 2013.
NGUYỄN VĂN THANH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn