Sách mới “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”

Thứ ba - 07/08/2012 15:50
(Chinhphu.vn) – Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên.

Cuốn sách  “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”.

Nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam qua các thời đại, với bản chất cần cù nhẫn nại, ý chí quật cường và trên tinh thần tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan khác, đã để lại những dấu ấn, nói chính xác hơn là đã để lại những chứng tích của mình trên Biển Đông, trong lịch sử xác lập và thực thi các quyền và lợi ích chính đáng của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, với các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

 

Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” gồm 400 trang với 4 chương. Chương I giới thiệu vai trò của biển, đảo Việt Nam với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chương 2 đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế. Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình và kết quả pháp điển hóa Luật Biển quốc tế mới tại Hội nghị Luật Biển của Liên Hợp Quốc lần thứ 3, đồng thời cũng từng bước ban hành các biện pháp nhằm quản lý các vùng biển và thềm lục địa của đất nước. Ngoài ra, chương này cũng nêu rõ phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Trong chương 3, cuốn sách đã lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước. Từ đó, chúng ta khẳng định rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Trong chương cuối cùng,các tác giả đã nêu thực trạng và những giải pháp xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông. Theo đó, Biển Đông nổi sóng hay yên bình là một vấn đề đang được các nước trong và ngoài khu vực quan tâm, nó phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan kể cả ở trong và ngoài khu vực.

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục: Các văn bản chính thức của nhà nước Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; các bài nghiên cứu về Biển Đông của các nhà khoa học.

Việc xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp, trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông và trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.

Ra mắt vào thời điểm Quốc hội mới thông qua Luật Biển Việt Nam, cuốn sách còn khẳng định những quan điểm, quy định đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam phù hợp với Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1992.

Xuất bản cuốn sách “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế”

Cuốn sách “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế” do PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế (Đại học Luật – ĐHQGHN) làm chủ biên, do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT và TT, chỉ đạo biên soạn.

Cuốn sách trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản nhất của luật biển quốc tế về thềm lục địa như: Khái niệm khoa học địa chất, khoa học pháp lý về thềm lục địa, quy chế pháp lý của thềm lục địa, xác định ranh giới của thềm lục địa theo quy định của pháp luật quốc tế, quy trình chung thực hiện việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý theo quy tắc của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, phân định thềm lục địa của các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, quy chế pháp lý và vai trò của các đảo trong xác định ranh giới thềm lục địa, vấn đề xác định thềm lục địa theo pháp luật và thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây