Bản đồ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" |
Bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Thời gian qua, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tới tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, hiện đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày.
Đây là tấm bản đồ tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự.
Năm 1904, Nhà xuất bản Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ, trong đó thể hiện rõ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo các chuyên gia về công pháp quốc tế, một trong những cách thể hiện ý chí thực thi chủ quyền đối với một lãnh thổ là thể hiện nó trên bản đồ hành chính của nhà nước. Việc các bản đồ cổ của Trung Quốc, trong đó có tấm bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc công bố năm 1904 được thực hiện dưới thời nhà Thanh, không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nhà nước Trung Quốc không coi các quần đảo này là một phần lãnh thổ của mình, không quản lý hành chính và không thể hiện ý chí chiếm hữu chúng.
Cho đến năm 1947, hầu hết bản đồ Trung Quốc đều thể hiện cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Chúng cho thấy luận cứ của Trung Quốc dựa trên quyền chiếm hữu lãnh thổ vô chủ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có đầy đủ các yếu tố vật chất và tinh thần, không đáp ứng được yêu cầu của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam từ thế kỷ 17 như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toàn tập Thiên Nam thống chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam nhất thống chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876)... cho thấy ít nhất từ thế kỷ 16, nhà nước Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều tấm bản đồ cổ của phương Tây cũng góp phần minh chứng từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều quan trọng là việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc cũng phản đối “đường chín đoạn”
Những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ các chuyên gia quốc tế phản đối mà chính nhiều học giả nổi tiếng của nước này cũng bác bỏ. Ngày càng có nhiều tiếng nói tỉnh táo, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật từ phía các học giả Trung Quốc.
Tại hội thảo “Tranh chấp Biển Đông: Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com.cn), Trung Quốc tổ chức vào tháng 6/2012, Giáo sư Thịnh Hồng thuộc Đại học Sơn Đông thừa nhận một thực tế: Quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có “lệch lạc”. “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế”.
Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc cho biết, rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường chín đoạn” là bản đồ không có thật bởi theo ông, “đường chín đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý.
Do vậy, theo ông, “đường chín đoạn” chỉ do Trung Quốc đơn phương đưa ra mà không được quốc gia nào thừa nhận. Trong khi đó, sách giáo khoa Trung Quốc luôn khẳng định đây là vùng biển của Trung Quốc, vô hình trung cung cấp thông tin sai lệch cho người dân. Một số tờ báo lớn như Thời báo Hoàn Cầu lại luôn đưa tin về Biển Đông một cách thiên lệch, kích động, khuynh loát dư luận.
Ông kiến nghị cần phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần căn cứ vào UNCLOS để vẽ lại bản đồ biển đảo.
Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư Trương Thự Quang, Đại học Tứ Xuyên, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể tự vẽ ra "đường chín đoạn". Theo Giáo sư Trương, khi Trung Quốc khăng khăng đưa ra “đường lưỡi bò” nhưng không có căn cứ để khẳng định và không được bất kỳ nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị.
Cũng đề cập “đường chín đoạn”, Giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này và nhấn mạnh, nếu nói toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận.
Giáo sư Hà Quang Hộ, Viện Triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc vạch rõ, nhìn vào bản đồ “đường chín đoạn” do Trung Quốc vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng bởi nếu theo cái gọi là “đường chín đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ “liếm” tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
TS Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Phả học Việt Nam giới thiệu tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Sáng 25/7, TS Mai Ngọc Hồng đã tặng tấm bản đồ này cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Chú trọng phát triển quan hệ song kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cho rằng, vấn đề tranh chấp Biển Đông là một tồn tại lịch sử khách quan, chúng ta không thể né tránh, mà phải đối diện và tìm phương cách để từng bước giải quyết vấn đề này.
Đại sứ khẳng định: Một mặt chúng ta luôn chú trọng xây dựng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với nước bạn Trung Quốc, song cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng luôn nhất quán là các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
“Tôi hi vọng rằng những tiếng nói tiêu cực, không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, kích động hận thù dân tộc trên một số báo và trang mạng của Trung Quốc không phải là tiếng nói chính thống của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc”, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nói.
Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn mong muốn hai bên có nhiều tiếng nói hữu nghị hơn, tích cực hơn, góp phần giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định và lành mạnh.
Theo Đại sứ, “trong lúc này, chúng ta lại cần phải giương cao hơn nữa ngọn cờ chính nghĩa, hòa bình và hợp tác, vì đây là xu hướng lớn của khu vực và thế giới mà không ai có thể đi ngược lại xu hướng đó. Việc này chúng ta phải kiên trì, cái gì đúng phải bảo vệ đến cùng. Bằng những bài viết khách quan, trung thực, có lý có tình, báo chí cũng là một kênh thông tin rất quan trọng để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn