|
Đó là ý kiến của ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Chống bán phá giá – Chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu vào EU: Những diễn tiến mới – Tác động và Ảnh hưởng” do VCCI phối hợp với Công ty Luật EU Gide Loyrette Nouel (GIDE) tổ chức ngày 14/7.
Theo Luật sư Alexis Massot, cho đến nay, EU đã tiến hành 10 vụ kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù quy mô các vụ kiện này tương đối nhỏ (trừ vụ giầy mũ da) nhưng số lượng các vụ kiện đã cho thấy nguy cơ bị kiện tại thị trường này là rất lớn. Đặc biệt khi các quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại của EU trước đây vốn được xem là bớt khắt khe hơn các nước khác thì hiện nay có khả năng sẽ thay đổi theo hướng bất lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
EU có khả năng sẽ thay đổi đáng kể trong cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo hướng phức tạp và kéo dài thời gian hơn. EU cũng có thể sẽ tăng cường các hoạt động chống trợ cấp vì cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh từ những ưu đãi của chính phủ nơi không có các quy định kiểm soát trợ cấp ngặt nghèo như ở EU. Thậm chí, EU có khả năng sẽ gia tăng các vụ điều tra “đúp” cả chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa nước ngoài, một thông lệ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia cũng thảo luận về cách thức để các doanh nghiệp, có thể tránh hoặc đối phó một vụ kiện.
Một vụ kiện có thể xảy ra nếu ngành sản xuất nội địa EU có đơn kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ gửi đến Ủy ban châu Âu. Đơn kiện phải có bằng chứng chứng minh hàng nước ngoài nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp vào EU và việc này gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của EU.
Như vậy về nguyên tắc doanh nghiệp có thể tránh được vụ kiện nếu không tạo ra những “ cái cớ” để ngành sản xuất nội địa EU sử dụng để đi kiện. Nói cách khác , doanh nghiệp có thể tránh được vụ kiện bằng cách luôn chú ý đến điều chỉnh giá bán hàng tương tự tại Việt Nam để đảm bảo rằng giá bán này không quá cao hơn giá bán sang EU (gọi là giá xuất khẩu) . Tuy nhiên điều này chỉ đúng với Việt Nam khi được EU công nhận là nền kinh tế thị trường hoặc ngành liên quan được thừa nhận quy chế kinh tế thị trường cho riêng mình.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cố gắng chuyển dần từ cạnh tranh giá (giá rẻ) sang cạnh tranh bằng chất lượng. Đây là cách hữu hiệu để tránh các vụ kiện đặc biệt khi Việt Nam vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường do đó giá tại Việt Nam không được coi là giá so sánh với giá xuất khẩu.
Trong trường hợp đã có đơn kiện, doanh nghiệp vẫn có thể ngăn chặn một vụ điều tra bằng cách thỏa thuận với bên đi kiện bằng nhiều cách khác biệt để họ tự rút đơn; gặp gỡ vận động các nhóm cùng lợi ích với Việt Nam để họ lên tiếng phản đối việc chấp nhận đơn kiện và khởi xướng điều tra . Trong quá trình xem xét đơn kiện và cân nhắc việc có khởi xướng điều tra hay không, Ủy ban châu Âu không thể bỏ qua tiếng nói này.
Các Hiệp hội ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong việc kháng kiện tại EU. Hiệp hội ngành hàng được xem là đại diện chung của cả ngành, được suy đoán là có thông tin chung về cả ngành và do đó những lợi thế trong việc cung cấp thông tin, giải trình và thuyết phục các cơ quan điều tra liên quan.
Ngoài ra, việc tin tưởng và giao phó trách nhiệm chứng minh trong các vấn đề chung cho Hiệp hội có thể là một cách thức tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn có thể tập trung hơn vào việc chứng minh cá vấn đề của riêng mình.
Trích nguồn từ Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn