Tạm trữ lúa gạo giúp nông dân trồng lúa có lãi hơn. |
Giá thu mua lúa đảm bảo được mức giá định hướng mong muốn với mức 5.100 – 5.300 đ/kg quy khô tại ruộng đối với lúa thường, tăng bình quân 100 - 200 đ/kg so với thời điểm trước khi mua tạm trữ và cao hơn so với giá định hướng (4.700 đ/kg), đảm bảo người sản xuất có lãi trên 30%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá quyết định mua tạm trữ năm nay là kịp thời, giúp nông dân hưởng lợi gián tiếp từ chính sách do giá lúa gạo trên thị trường giữ được ổn định và tăng lên.
Những năm trước, việc tạm trữ thường được quyết định khi giá lúa hàng hoá trên thị trường thấp hơn giá định hướng, thời điểm tạm trữ vào cuối vụ, khi đã thu hoạch gần xong nên người nông dân được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ không nhiều.
Thời điểm mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay (kể từ 20/2 - 31/3) sớm hơn gần 1 tháng khi bắt đầu vào thu hoạch rộ, giá lúa có nguy cơ bị sụt giảm dưới giá định hướng là đúng lúc và kịp thời, ngăn chặn được tình trạng sụt giảm sâu của giá lúa, gạo. Quyết định đã tác động làm giá lúa, gạo trên thị trường giữ được ổn định và có tăng lên.
Theo phân tích, mặc dù với phương thức hiện nay, người nông dân chưa được hưởng lợi tối đa như mong đợi, nhất là người trồng lúa chất lượng cao do việc thu mua vẫn còn phụ thuộc vào trung gian. Tuy nhiên, cơ bản là việc tạm trữ tác động đến thị trường, giữ giá ổn định, từ đó lúa tại ruộng giữ giá và tăng nhẹ đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá mua định hướng đối với lúa tại ruộng vụ này là 4.700 đ/kg là đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%, trong khi thực tế giá mua tại ruộng được trên 5.000 đ/kg, dù qua các khâu trung gian vẫn đảm bảo cao hơn giá mua định hướng.
Trước một số ý kiến cho rằng giá lúa năm nay tăng ít hơn so với các năm trước khi thực hiện chính sách tạm trữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng thời điểm mua tạm trữ năm nay là lúc giá lúa trên thị trường chưa xuống dưới giá định hướng (còn chênh 300 đ/kg). Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo đang khó khăn, giá xuất khẩu thấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết thời gian tới, để tăng tính hiệu quả của chủ trương tạm trữ lúa, gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa tính liên kết giữa thương nhân chế biến, xuất khẩu gạo với người trồng lúa, xây dựng cơ chế phát triển cánh đồng mẫu lớn với thu mua tạm trữ và chế biến, xuất khẩu gạo, tiếp tục giảm giống lúa thường, chất lượng thấp và thay thế bằng giống chất lượng cạo, lúa thơm.
Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương quy hoạch lại lượng thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao hiệu quả của bộ phận kinh doanh này, giúp sản xuất và thị trường gạo trong nước phát triển ổn định, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn