Đại diện ADB nhận định thặng dư thương mại Việt Nam dự kiến đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 |
Theo ADB, năm 2013, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,2% và có thể tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được cải thiện và các nước công nghiệp phát triển phục hồi kinh tế.
Thặng dư thương mại Việt Nam dự kiến đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai tiếp tục tăng trong năm 2013 trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu tăng theo với tăng trưởng GDP.
Trong năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có sự ổn định nhờ kiềm chế lạm phát và cán cân thanh toán được cải thiện.
Năm 2013, lạm phát của Việt Nam dự kiến khoảng 7,5%, thấp hơn so với dự báo trước đây của chính tổ chức này.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng cần lưu ý cải thiện năng lực cạnh tranh về thu hút FDI. Điều này phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh toàn diện hơn.
Ông Tomoyuki Kimura khuyến nghị Việt Nam cần có cách tiếp cận mang tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho công cuộc cải cách hơn nữa.
Nhấn mạnh việc tái cơ cấu lĩnh vực tài chính, ADB cho rằng rủi ro đối với triển vọng kinh tế xoay quanh sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu. Cùng với việc đưa ra quy định các ngân hàng thương mại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và phân loại nợ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.
Về việc thành lập Công ty quản lý tài sản để mua lại các khoản nợ xấu, ADB cho rằng việc đảm bảo đủ kinh phí để công ty hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công, đồng thời cần có quy trình định giá tài sản minh bạch và hành lang pháp lý cho phá sản, nợ xấu sẽ được cải thiện.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn