Thành ngữ, tục ngữ
Khỉ ho cò gáy hay “xứ chim kêu vượn hú”: Chỉ nơi hẻo lánh, xa xôi, đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt
Nhăn nhó như khỉ ăn gừng (ăn ớt): Ám chỉ sự đau khổ, hoặc quá buồn bực do làm ăn thất bại, hay do mất mát vật quý giá…Người đang tiếc rẻ một việc gì thì mặt lúc nào cũng nhăn nhó.
Rung cây nhát khỉ: Việc rung cây không lợi ích gì cũng như lời dọa nạt nhằm đe dọa kẻ khác, nhưng kết quả không đi đến đâu.
Đười ươi giữ ống: Chế giễu kẻ ngu dại hay bị mắc lừa.
Khỉ lại hoàn khỉ, mèo lại hoàn mèo: Ngụ ý nói bản chất xấu xa thì không thể nào che đậy được.
Khỉ ngồi bàn độc: Là muốn nói đến kẻ không có tài năng mà làm quan to.
Nuôi khỉ giữ nhà: Chế giễu một việc làm trái khoáy, có khi dùng để chỉ việc giúp đỡ che chở một kẻ sẽ phản bội mình.
Dạy khỉ leo dây: Chỉ chuyện làm một việc dư thừa, phi lý.
Chai như đít khỉ: Nghĩa đen chỉ da chai cứng từng mảng; nghĩa bóng diễn tả cảnh phải ngồi chầu chực, chờ quá lâu.
Chó chê khỉ lắm lông hay Khỉ chê khỉ đỏ đít: Chế nhạo những kẻ không thấy cái dở của mình, chỉ biết chê bai người khác.
Khinh khỉ mắt độc: (độc là một loài khỉ dữ) diễn tả chuyện chê một thứ gì lại gặp thứ xấu hơn nhiều.
Nói hưu nói vượn hay tán hưu tán vượn: Có ý chê người nói ba hoa những điều không thiết thực, không đáng tin.
Trỏ hưu trỏ vượn: Diễn tả cảnh bị chỉ dẫn lung tung không đúng câu mình muốn hỏi.
Rầu rĩ như khỉ chết con: Diễn tả cảnh khi bị mất mát, tiêu hao một thứ gì đó quý giá.
Ca Dao
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ/Anh xa nàng mặt ủ mày châu: Vượn là loài sống trên cây, ăn chồi non, trái cây và trứng chim mà sống. Vượn lìa cây thì chắc chắn vượn sẽ chết đói mất thôi.
Chuột chù che khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm: Nói như vậy là khỉ sạch lắm, nếu nói bẩn là “hôi như chuột” thì mới đúng hơn.
Má ơi, đừng gả con xa/Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!: Ngày xưa, việc dựng vợ gả chồng cho con cái thuộc quyền của cha mẹ. Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ có con gái thích gả chồng cho con ở vùng gần gũi quanh xóm , quanh làng để tiện viếng thăm. Nếu gả con đi lấy chồng xa xứ thì chắc cha mẹ tham giàu, hay muốn con cái có chồng giàu sang để sau sung sướng tuổi thân. Nhưng con nào muốn sống xa cha mẹ? Xa cha mẹ bao giờ mới được về thăm, khi đường sá xa xôi, đò ngang cách trở?.
Mồ hôi gió đượm / Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo/ Con ơi, mẹ dắt lên đèo / Chim kèu bên nọ, vượn trèo bên kia: Vợ chồng sống bên nhau càng lâu thì tình nghĩa càng mặn nồng. Vắng nhau một lúc đã mong, xa nhau một ngày đã nhớ. Người thiếu phụ trong câu ca dao trên chắc là đi thăm chồng đang chinh chiến xa. Mẹ con phải vượt núi trèo trèo, vô cùng gian nan vất vả, thật đáng thương.
Bao giờ cho khỉ đeo hoa/Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng: Khẳng định những sự việc đó không bao giờ có, chỉ xảy ra trong tưởng tượng mà thôi.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng/Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um: Những năm cuối thế kỷ 19, Cà Mau vẫn còn là vùng đất hoang vu, ít người khai phá. Bên cạnh những khu rừng hoang vu là đồng bãi, bưng biền với đầy rẫy các loài thú dữ và muỗi mòng, rắn rết.
Tuổi Thân con khỉ lao chao/Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương hay Thân con khỉ ăn bần/ Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông: Đó là hình ảnh con khỉ được dân gian hóa bằng những câu ca dao vui đùa hóm hỉnh.
Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/Em đây luống những ngậm ngùi tuổi thân: Nghe mà ai oán làm sao, với lý do gì không biết trong sự nghiệp người ta lại đổ tội cho con khỉ. Ở đời thiếu gì những đấng quân vương đa mưu đa tài, những danh nhân cầm tinh con khỉ làm rạng danh non sông đất nước.
Con khỉ là thế, vậy mà gần đây, trước vòng cương tỏa của đồng tiền , mấy kẻ bất lương đã mở các cửa hàng ăn đặc sản thú rừng, đưa lên bàn ăn những bữa tiệc với các món… khỉ. Đặc sản gì không thấy, chỉ thấy hàng trăm, hàng ngàn con khỉ bị chúng làm thịt đưa lên đĩa, lên mâm. Rồi nữa, toàn thân con khỉ được nhét vào trong một chiếc hộp bên dưới bàn ăn chỉ mỗi cái đầu nhô lên. Những “thượng đế” dùng búa giáng vào đầu khỉ cho đến khi con khỉ chết hẳn. Sau đó, nhóm người vô cảm dùng dao cắt ngang phần đầu phía bên trên của con khỉ và xúc bộ óc cho vào đĩa, rồi "ăn tươi nuốt sống" một cách vô nhân tính.
Được biết, Nhà nước ta cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp quy định về bảo vệ động vật và thực vật quý, hiếm (trong đó có các loài khỉ, vượn…) là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Hi vọng, trong năm tới, thời gian tới không còn những kẻ săn khỉ, những quán giết thịt khỉ hằng ngày tiếp tục tồn tại trước mắt bàn dân thiên hạ.
NGUYỄN VĂN THANH