Dịch bệnh và giá giảm sâu khiến nhiều người nuôi gà phải bỏ đàn. Trong ảnh: một chuồng gà chết gần hết do dịch bệnh tại một trại gà ở huyện Long Thành (Đồng Nai) - Ảnh: Trần Mạnh |
Dù nhiều hộ chăn nuôi đang phải giảm đầu tư nhưng ngành chăn nuôi đang đi theo hai hướng khác nhau, trong khi nguồn cung gà giảm mạnh thì lượng thịt heo dự đoán sẽ tăng vào những tháng tới.
Ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết dù có một bộ phận hộ nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn nhưng nguồn cung thịt heo được bổ sung bởi các hộ chăn nuôi lớn. So với cùng kỳ năm trước, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện thống kê được 1,3 triệu con (năm ngoái là 1,1 triệu), trong đó có 1,1 triệu heo thịt. “Đầu heo tăng và trọng lượng trên mỗi con heo cũng tăng so với năm trước nên nguồn cung thịt heo cho những tháng cuối năm là dồi dào” - ông Báu cho biết. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - khẳng định nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm là dồi dào.
Trong khi đó, không chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ mà cả những công ty lớn trong ngành chăn nuôi gà đã giảm mạnh sản lượng nuôi. “Lượng gà đã giảm khoảng 30% nên nguồn cung thịt gà cho dịp tết chắc chắn sẽ giảm” - ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết. Theo ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Bình Phước, hiện Công ty Japfa đã thông báo cho các chủ trại nuôi gia công giãn thời gian nuôi từ 4-5 lứa/năm xuống còn 2 lứa/năm, các công ty khác cũng đang lên kế hoạch giảm đàn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gà trong những tháng cuối năm. “Mức giãn nuôi như thế tương ứng với việc sản lượng gà giảm khoảng 50%” - ông Hùng nhận định.
Trước những thông tin về khả năng thiếu thịt gà vào cuối năm, ông Nguyễn Thanh Sơn - cục phó Cục Chăn nuôi - đánh giá khả năng này khó xảy ra vì nguồn thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng lượng thịt nhập khẩu. Theo ông Sơn, dự kiến dịp tết năm nay sức mua thực phẩm của người dân chỉ tăng 8-10% so với bình thường (trong khi các năm trước tăng 18-20%) nên không có nhiều áp lực cho nguồn cung. Trong thời gian tới, mỗi tháng sẽ có 240.000-250.000 tấn thịt xẻ đưa ra thị trường, cộng với một lượng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn thịt (chủ yếu là thịt gà) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. “Ba tháng cuối năm là thời gian mà các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều thịt nhất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, chưa kể một lượng lớn gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vẫn có khả năng vào thị trường VN” - ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - cục phó Cục Chăn nuôi, cục đang tổng hợp báo cáo của các địa phương về tình hình chăn nuôi, khả năng cung cầu thực phẩm trong những tháng cuối năm. “Chúng tôi đang chờ các địa phương báo cáo để tổng hợp đánh giá về khả năng cung cầu lương thực dịp cuối năm, tết. Nếu khả năng thiếu, cục sẽ đề xuất để Bộ NN&PTNT họp bàn với Bộ Công thương để có quyết định cụ thể nhập khẩu bao nhiêu thực phẩm. Tuy nhiên đến thời điểm này, qua theo dõi về nguồn con giống, sản lượng thức ăn chăn nuôi, tình hình dịch bệnh thì có thể dự báo khả năng dịp tết không thiếu thực phẩm, nhưng chắc chắn với tình hình như hiện nay thì sau tết sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm” - ông Dương nói.
Nhiều người chăn nuôi “treo” chuồng Cục Chăn nuôi cho biết suốt từ tháng 4-2012 đến nay, ngành chăn nuôi luôn gặp khó khăn. Giá thức ăn luôn tăng nhưng giá thịt không tăng, rồi ảnh hưởng bởi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhập lậu gia cầm thịt tăng... Đặc biệt, giá các loại thịt gà, thịt heo luôn ở mức thấp, người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, không thể có lãi nên hiện tượng tạm ngưng tái đàn, “treo” chuồng đã xuất hiện. Hiện giá thịt heo hơi ở phía Nam chỉ dao động 37.000-38.000 đồng/kg, giá gà chỉ còn 22.000 đồng/kg, trứng gà 1.650 đồng/quả. Tuy giá cả ở miền Bắc có cao hơn miền Nam chút ít nhưng với mức giá quá thấp, duy trì thời gian dài đã khiến 12 triệu hộ nuôi heo, gà bị ảnh hưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn heo đã giảm 3%, đàn gia cầm giảm 2%. |
Theo tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn