Ảnh minh họa |
Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững là một trong những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa qua.
Thông điệp này xuất phát từ vai trò của việc ổn định kinh tế vĩ mô, kết quả trong 6 tháng đầu năm và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Nó giúp cho nền kinh tế không bị rơi vào vòng luẩn quẩn: tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát… Ổn định kinh tế vĩ mô giúp cho việc tăng trưởng hợp lý, để không làm lạm phát cao trở lại, thông qua các quan hệ cân đối tiền- hàng, cân đối cung- cầu, cân đối giữa sản xuất với sử dụng GDP…, từ đó mà tăng trưởng và phát triển bền vững, không chỉ cho năm 2012, mà còn cho cả những năm tiếp theo. Ổn định kinh tế vĩ mô vừa là một nội dung quan trọng, vừa là tiền đề để khởi động mạnh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong các mục tiêu tổng quát của năm 2012, ổn định kinh tế vĩ mô là một mục tiêu quan trọng (đứng sau mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, đứng trước mục tiêu tăng trưởng hợp lý). Trong 6 tháng đầu năm 2012, bên cạnh kết quả nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và các mục tiêu khác, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả nổi bật nhất so với cùng kỳ năm trước là nhập siêu đã giảm rất mạnh, cả về kim ngạch tuyệt đối (685 triệu USD so với 6864 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (1,3% so với 15,8%). Kết quả này đạt được do tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu (22,2% so với 6,9%). Nhập khẩu tăng thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nhu cầu đầu tư, sản xuất và tiêu dùng bị co lại. Có nguyên nhân do giá nhập khẩu tăng thấp (so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,21%). Với tốc độ tăng nhập khẩu 6,9%, giá tăng 3,21%, suy ra lượng nhập khẩu cũng chỉ tăng gần 3,6%. Đó là tốc độ tăng chung, nhưng một số mặt hàng lượng nhập khẩu giảm, như xăng dầu giảm 21,1%, khí đốt hóa lỏng giảm 10,9%, phân bón giảm 22,5%, ô tô nguyên chiếc giảm 59%, xe máy nguyên chiếc giảm 52,5%,… Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu (như rau quả, bánh kẹo, kim loại quý và sản phẩm… đã giảm 21,7%); những mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu (như điện thoại di động, ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng… giảm 10,7%). Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 9,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng chưa đến 3,5 tỷ USD. Nhờ đó, mức nhập siêu tuyệt đối giảm tới gần 6,2 tỷ USD so với cùng kỳ của 6 tháng đầu năm 2012 là mức giảm chưa từng có trong cùng kỳ từ trước đến nay. Đây là tín hiệu khả quan để tin rằng, nhập siêu cả năm 2012 sẽ thấp nhất trong hàng chục năm qua. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần cải thiện cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá… Một kết quả nổi bật khác là việc thu hút lượng ngoại hối trên thị trường trong nước, vừa giảm bớt tình trạng vàng hóa, đô la hóa, vừa tăng được dự trữ ngoại hối. Việc thu hút này là kết quả đồng thời cũng tác động trở lại đối với lòng tin vào đồng tiền quốc gia, thể hiện sự ổn định của giá vàng, giá USD. Trong 6 tháng đầu năm, giá vàng đã giảm trong 5 tháng, tính chung 6 tháng đã giảm 7,51%- mức giảm hiếm thấy trong cùng kỳ của nhiều năm. Giá USD sau 6 tháng đã giảm 0,8%. Chính những yếu tố này đã góp phần làm cho một lượng vàng, ngoại tệ trong dân cư và doanh nghiệp đã được bán cho ngân hàng. Một kết quả tích cực và quan trọng khác là lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đã tăng lên. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù không có số liệu chính thức về lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII), nhưng được dự đoán gần như chắc chắc sẽ “vào” nhiều hơn ra, khi thị trường chứng khoán tăng điểm (VN-Index so với cuối năm trước hiện tăng 17,5%); khi thị trường bất động sản hiện ở mức thấp; khi lãi suất tiết kiệm bằng VND dù đã giảm nhanh nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với lãi suất bằng ngoại tệ, trong khi giá ngoại tệ trên thị trường giảm. Lượng kiều hối thường về nhiều trong dịp Tết cổ truyền và quan trọng hơn là hướng của nguồn này là bán cho ngân hàng, trong khi tiết kiệm bằng VND có lãi suất cao hơn, còn bất động sản, vàng bị suy giảm và chi mua hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thì co lại. Nguồn ngoại tệ đến từ khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng khá, tính theo lượng khách đến tăng 13,9%, nếu tính theo chi tiêu bình quân được ước tính khoảng 1.000 USD/người thì cũng đạt gần 3,4 tỷ USD, bằng 60% tổng lượng tiền tương ứng của cả năm 2011. Tổng hợp các yếu tố trên đã làm cho dự trữ ngoại hối trong 6 tháng đã tăng đáng kể. Thủ tướng đã nhận định đó là “một minh chứng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế”. Một quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng khác là cân đối thu chi ngân sách. Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm mới đạt 46,7% dự toán cả năm, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực lớn nhìn chung đều đạt thấp so với dự toán và tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, như nguồn thu từ đất đai, xuất nhập khẩu, xăng dầu. Đơn cử, số thu từ xuất nhập khẩu bằng 41,6% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 40,7% dự toán, … Nếu số thu không đạt sẽ rất gay go, khó khăn về cân đối, buộc phải cắt đầu tư và chi tiêu. Như vậy, kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn những mặt hạn chế, bất cập và đứng trước khó khăn, thách thức. Để sự ổn định kinh tế vĩ mô được bền vững, cần thực hiện một số định hướng quan trọng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Một là, kiên định và nhất quán các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm (ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…). Hai là, tập trung thúc đẩy, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo. Ba là, linh hoạt trong xử lý nợ xấu, khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7- 8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Bốn là, tìm mọi biện pháp hỗ trợ sản xuất, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực như Nghị quyết 13/NQ-CP. Năm là, đặc biệt giữ bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn