Giáo viên cần nhiều hướng dẫn khi thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học - Ảnh: Internet |
Bắt đầu từ ngày 15/10/2014, giáo viên bậc tiểu học trên cả nước sẽ áp dụng hình thức nhận xét, đánh giá thay vì cho điểm học sinh.
Giáo viên làm cho có
Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục và giáo viên cho biết khi áp dụng cách đánh giá này, công việc của giáo viên tăng lên rất nhiều. Giáo viên cho rằng sẽ không có đủ thời gian để ghi lời nhận xét cho học sinh. Tuy nhiên, cần phải thực hiện một thời gian xem thực tế ra sao. Bà Hà phân tích: “Mặc dù không bắt buộc sau một tiết phải nhận xét cả lớp, nhưng nếu không xem hết thì không nắm bắt được trình độ. Do vậy giáo viên lo lắng làm không nổi ngay cả đối với lớp thực hiện theo đúng điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp. Còn những lớp vượt quá quy định lên đến 50 học sinh thì thực sự giáo viên rất khó bao quát để có nhận xét chính xác”.
Không chỉ là vấn đề thời gian, lãnh đạo một trường tiểu học trên nhiều tỉnh thành cả nước cho rằng cái khó của giáo viên hiện nay là làm sao để có những lời phê đa dạng. “Không phải ngày nào cũng phê: em học tốt, em giỏi, em ngoan, em cần cố gắng được. Nhưng thật tình mà nói, trong thời gian qua, tôi đã kiểm tra quá trình đánh giá học sinh của giáo viên trường mình, có nhiều người chỉ dùng và phê một vài câu trong suốt quá trình dạy. Đó là chưa kể đến việc lời phê của giáo viên phê còn sai chính tả nữa. Giáo viên hiện nay cũng ngại với phương án này, vì không biết phụ huynh sẽ phản ứng ra sao trước lời phê của mình”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Để có được nhận xét chính xác và giúp phụ huynh nắm rõ thực lực của học sinh, nhiều giáo viên chấm bài nháp bằng điểm sau đó mới ghi nhận xét vào vở cho học sinh nên mất rất nhiều thời gian. Có giáo viên còn nói thẳng: “Bài kiểm tra nào phải nộp cho trường, cho phòng thì cô nhận xét còn những bài tập khác còn lại cô vẫn cho điểm như bình thường để khỏi mất thời gian”.
Để tránh việc làm theo kiểu đối phó, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: “Quận để cho giáo viên tự lựa chọn cách thức nhận xét nhưng dựa trên nguyên tắc là khuyến khích học sinh, giúp phụ huynh hiểu được sức học của con em họ. Qua thông tư này nâng cao trách nhiệm của giáo viên, giúp giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp tiết học chất lượng hơn”.
Phụ huynh chưa quen việc nhận xét
Theo Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành, tham gia đánh giá thường xuyên gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá, góp ý bạn), khuyến khích sự tham gia của phụ huynh. Trong khi đó nhiều phụ huynh cho rằng không biết gì về chuyện này.
Phần lớn phụ huynh cho biết trong buổi họp phụ huynh đầu năm cô giáo chủ nhiệm chỉ thông báo cho phụ huynh không cho điểm mà chỉ đánh giá học sinh chứ hoàn toàn không thông tin hay hướng dẫn phụ huynh về việc cùng tham gia nhận xét cũng như cách thức nhận xét như thế nào.
Lãnh đạo một phòng giáo dục nhìn nhận: “Sự tham gia của phụ huynh là cần thiết nhưng thực sự không có cơ sở nào để cùng nhận xét. Thêm yếu tố nữa là thực tế sự tham gia của phụ huynh vào hoạt động trong nhà trường từ trước đến nay không nhiều. Lẽ ra cần có thời gian để chuẩn bị cho phụ huynh nắm bắt cách thức đánh giá con mình”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng lẽ ra phải để phụ huynh tiếp cận và nắm bắt thông tin một cách nhuần nhuyễn rồi mới áp dụng. Có như vậy thì mới tác động đến quá trình đổi mới dạy và học trong trường tiểu học.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kế hoạch của Sở sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên trước ngày 15.10. Sau khi được hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc về quy định, trong quá trình thực hiện, giáo viên gặp khó khăn gì có thể trao đổi với lãnh đạo từng cấp. Ngoài ra, Sở cũng sẽ yêu cầu để các trường hướng dẫn cho phụ huynh cùng tham gia đánh giá học sinh một cách phù hợp và hiệu quả nhất
Quyết Lam (theo TTO, BP.EDU)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn