Tọa đàm trực tuyến về Khu kinh tế mở Chu Lai

Thứ hai - 12/08/2013 07:50 855 0
(Chinhphu.vn) - Vào 9 giờ sáng 11/8, tại Đà Nẵng, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức tọa đàm trực tuyến “KKT mở Chu Lai: Tầm nhìn và thực tiễn”.

 

Ảnh VGP/Minh Hùng

Trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã dần quen với các khái niệm “Khu kinh tế mở”,  mô hình, cấu trúc, cơ chế vận hành của các cụm từ này cũng đã được diễn giải khá nhiều. Nhưng vấn đề mang tính mấu chốt là thực tiễn hoạt động của Khu kinh tế mở lại chưa nhiều, hay nói đúng hơn là rất ít, thậm chí là duy nhất.

Tính đến thời điểm hiện nay cả nước chỉ có duy nhất một Khu kinh tế mở Chu Lai (thuộc tỉnh Quảng Nam) - một khu kinh tế mà hơn 10 năm trước  từ các nhà hoạch định chiến lược kinh tế cho đất nước, đến những nhà hoạt động thực tiễn, đến tận từng doanh nghiệp và không ít người dân đã có nhiều kỳ vọng vào mô hình kinh tế này. Quảng Nam đã vinh dự tiên phong trong cả nước trong quá trình xây dựng, đưa vào hoạt động của khu kinh tế này.  Và cuộc tọa đàm trực tuyến hôm nay cung cấp cái nhìn đa chiều liên quan đến tầm nhìn và thực tiễn vận dụng mô hình kinh tế mở, cụ thể là Khu kinh tế Mở Chu Lai tại Quảng Nam.

Tham dự tọa đàm có các vị khách mời:

 - Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư

- Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng BQL KKT mở Chu Lai.

- Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải.

Chương trình được phát trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, phát sóng trực tiếp trên VTV Đà Nẵng, kênh K+ và Mytv – kênh 9 phát sóng toàn quốc. 

BTV: Thưa ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ chỗ chưa có một  mô hình nào cụ thể, vậy việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai trong thời điểm đó theo ông có quá táo bạo không?

 

Ông Đặng Huy Đông - Ảnh VGP/Minh Hùng

 

Ông Đặng Huy Đông: Theo tôi, nói là táo bạo hay không phải xét về bối cảnh lúc ra đời chính sách năm 2003. Nhớ lại quá trình phát triển là năm 1991, bắt đầu mở cửa được một thời gian, manh nha hình thành các khu chế xuất. 3 năm sau 1994, chúng ta hình thành khu công nghiệp. 2 năm sau là 1996 hình thành ra khu kinh tế cửa khẩu, 1998 hình thành chính sách về khu công nghệ cao. 5 năm sau từ 1998 đến 2003, chúng ta mới bắt đầu nghĩ tới khu kinh tế mở. Đây là 1 quá trình, bước đi có tính toán, rút kinh nghiệm từ quy mô nhỏ. Sau khoảng thời gian như vậy, chúng ta bắt đầu thấy những cơ sở, cơ chế, không gian cho phát triển bắt đầu chật chội, Khu kinh tế mở mở lớn hơn, tầm nhìn rộng hơn phải chăng cần phải có để phát triển đất nước. Xét lại, bước đi có tính toán và dựa trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Tôi cho rằng đó là quá trình phù hợp.

Đến năm 2003, chúng ta đã thấy sự thành công rực rỡ của một số mô hình khu kinh tế mở của Trung Quốc như Thẩm Quyến,  Hạ Môn…

Chúng ta thấy rằng cần ra chính sách hình thành khu kinh tế mở và chọn Chu Lai là khu kinh tế mở đầu tiên của đất nước.

Xét quá trình như vậy, tôi cho rằng đây là quyết định có tính toán và hoàn toàn có cơ sở khoa học, và ở mặt nào đó cần sự táo bạo nhất định.

 BTV: Trở lại 10 năm trước, câu hỏi “sẽ bắt đầu từ đâu” lúc ấy là sự trăn trở của tỉnh Quảng Nam, của những nhà hoạch định chiến lược. Thưa ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ban đầu, Quảng Nam lấy gì làm điểm tựa để tiến hành xây dựng nên khu kinh tế mở Chu Lai?

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Ảnh VGP/Minh Hùng

 

Ông Huỳnh Khánh Toàn:Cơ sở của chúng tôi dựa trên định hướng, quan điểm phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, Quảng Nam cũng dựa trên những cơ sở hạ tầng có sẵn như cảng biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ và Chu Lai nằm ở vị trí trung điểm, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

 

 

Thứ hai, Chu Lai là khu dân cư thưa thớt, chi phí GPMB rất thấp, trong khi điều kiện phát triển nông nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi xác định như vậy thì phải làm công nghiệp và kinh tế.

 Thứ ba, Chu Lai có bờ biển dài, 70km, còn đẹp, nguyên sơ  nên có lợi thế phát triển du lịch và resort trong tương lai. Ngoài ra, Quảng Nam lại ở gần vị trí các trung tâm đào tạo lớn của miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quy Nhơn (Bình Định), 60% lao động của Quảng Nam là lao động trẻ, có kinh nghiệm trong dệt may, da giày, cơ khí…

BTV: Thưa ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Năm 2003, thời điểm ra đời của KKT mở Chu Lai cũng là thời điểm Chính phủ đưa ra Quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Lúc đó, tại một vùng đất còn nghèo như Quảng Nam có sức thu hút gì với chiến lược phát triển của Trường Hải?

 

Ông Phạm Văn Tài- Ảnh VGP/Minh Hùng

 

Ông Phạm Văn Tài: Năm 2003 cũng là thời điểm Trường Hải chuyển mình. Doanh nghiệp chúng tôi thành lập từ  năm 1997, định hướng của chúng tôi lúc đó là hội nhập AFTA; chúng tôi mong có sự ưu đãi đầu tư. Chu Lai có quỹ đất rất tốt, bởi phát triển công nghiệp ô tô bền vững cần nhiều quỹ đất, không chỉ là lắp ráp mà còn phát triển công nghiệp phụ trợ.

 

 

 

Năm 2003 Chính phủ cũng ban hành chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam và Khu kinh tế mở Chu Lai có những chính sách ưu đãi phù hợp, cộng với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp chúng tôi đã quyết tâm đầu tư vào vùng đất này. Chúng tôi hiểu có những thách thức, nhưng chúng tôi chủ động nắm cơ hội để phát triển.

 

BTV: Thưa ông Huỳnh Khánh Toàn, sau 10 năm, liệu người ta có thể đặt câu hỏi: Quảng Nam sẽ như thế nào nếu không có KKT mở Chu Lai?

Ông Huỳnh Khánh Toàn:  Nói đến Quảng Nam, chúng ta không chỉ biết có Hội An, Mỹ Sơn, chúng ta nghĩ đến KKT mở Chu Lai. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, mô hình KKT mở Chu Lai đã có chỗ đứng trong kinh tế Quảng Nam, góp phần rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực chuyển từ nông nghiệp sang hướng công nghiệp xây dựng thương mại dịch vụ.

Hiện nay, KKT mở Chu Lai đóng góp trong giai đoạn 2006-2010 là 58% thu ngân sách trên địa bàn. Đến hết năm 2012, số thu ngân sách trên địa bàn là hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng thu ngân sách trên toàn tỉnh. Lớn hơn là vấn đề xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, những lao động làm việc thường xuyên trong KKT mở Chu Lai là 14.000 người. Ngoài ra, lực lượng phục vụ cho hoạt động KKT này vào khoảng 43.000 người.  Như vậy, lượng lao động trực tiếp và gián tiếp là gần 50.000.

Thứ 2, tạo ra sản phẩm công nghiệp cạnh tranh riêng có của Quảng Nam, tiêu biểu như công ty cổ phần ô tô Trường Hải- ra đời cùng lúc với sự ra đời của KKT mở Chu Lai.

Năm nay, Trường Hải kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây là doanh nghiệp duy nhất sản xuất lắp ráp 3 dòng xe với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất.

Hiện nay, công ty này đang được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tập trung cho thực hiện dự án chuyển giao công nghệ sản xuất máy động cơ  tại KKT mở Chu Lai.

Sản phẩm thứ 2 là từ vùng đất cát trắng, hiện nay đã mọc lên hàng trăm nhà máy, công xưởng với quy mô khu vực và đã vươn ra tầm Đông Nam Á.

Chúng ta thấy có Nhà máy kính nổi Chu Lai với công suất 900 tấn ngày đêm, là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, thị trường xuất khẩu sang các nước ASEAN.

BTV:Nếu làm phép tính về hiệu quả kinh tế trong 10 năm qua thì Bộ KHĐT đánh giá như thế nào về hiệu suất đầu tư cho Chu Lai?

Ông Đặng Huy Đông: Về hiệu suất, hiệu quả đầu tư vào Chu Lai thì như chúng ta đã biết là cứ 1 đồng vốn ban đầu thì thu hút 5 đồng vốn đầu tư của nhà đầu tư nhưng điểm nổi bật là thu hút dòng vốn của khu vực tư nhân, dẫn đầu là Trường Hải. Các hiệu quả về kinh tế thì phóng sự vừa nêu ra. Trở lại nếu như không có chính sách cho Chu Lai thì Quảng Nam có vào top 10 tỉnh có nguồn thu ngân sách 10.000 tỷ đồng hay không khi mà riêng Chu Lai đóng góp 6.000 tỷ đồng, làm sao tạo ra 13.000-14.000 việc làm và sẽ có tăng lên nhiều trong tương lai. Thành công ở tầm tỉnh, địa phương thì rất tốt, như trong xóa đói, giảm nghèo, nhưng nếu nói ở tầm quốc gia thì đòi hỏi cần tiếp tục xem xét.

BTV: Nếu so sánh mô hình với các KCN, khu chế xuất, khu KTT thì thế nào?

Ông Đặng Huy Đông: Chúng  tôi cho rằng nếu so sánh thì đầu tư vào Chu Lai vẫn hiệu quả.

BTV: Trải qua quá trình đầu tư tại Quảng Nam, nhiều nhà đầu tư đã mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng vốn đầu tư. Trường Hải là một trong số đó. Dưới con mắt của nhà đầu tư thì hiệu suất vốn đầu tư của Trường Hải vào Chu Lai được thể hiện như thế nào?

Ông Phạm Văn Tài: Từ khi chúng tôi vào Chu Lai từ năm 2003, lao động của cả Trường Hải chỉ có 650 người, ở Chu Lai chưa đầy 400 người, tổng doanh thu 1000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Giờ chúng tôi có 20 công ty, nhà máy ở Chu Lai, nhân sự toàn tập đoàn khoảng 10.000 người, lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng, doanh thu 13.000 tỷ đồng,… không chỉ có đóng góp tích cực vào ngân sách cho tỉnh, mà công ty cũng có lợi nhuận để phát triển.

Có thể nói, sau 10 năm đầu tư vào Chu Lai, Trường Hải đã thay đổi cả về lượng và chất, hiệu suất đầu tư ngày một cao. Tôi cho rằng nếu chính sách của chúng ta cởi mở hơn, thông thoáng hơn, bởi một số chính sách ban hành cách  đây 10 năm qua đã không còn phù hợp thì chúng tôi tin rằng hiệu suất đầu tư của các doanh nghiệp sẽ phát triển hơn nữa.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Lộc- Đà Nẵng: Vai trò của tỉnh Quảng Nam và ban quản lý KKT mở Chu Lai đối với doanh nghiệp đang đầu tư tại đây như thế nào?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Vấn đề mà ông và các nhà đầu tư quan tâm, tỉnh Quảng Nam đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể là chỉ số PCI (chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2012, như ông đã nhận định là hoàn toàn đúng. Cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở ngành… tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ba trụ cột mà ĐH Đảng bộ tỉnh đã xác định là cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng, kết cấu hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại. Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư chúng tôi rất quan tâm, chúng tôi đã thành lập Ban kinh tế đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tất cả đồng vốn của doanh nghiệp đến đầu tư tại Quảng Nam đều thông qua ban này.

Như vậy vấn đề các nhà đầu tư quan tâm, khó khăn, vướng mắc sẽ được một đồng chí  lãnh đạo  kiêm trưởng ban xử lý.

Đến với KKT mở Chu Lai là 1 cửa liên thông- 1 đầu mối, xử lý rất nhanh. Có những loại giấy tờ chỉ cấp trong 24 tiếng đồng hồ.

Như vậy, việc đó đã được lãnh đạo tỉnh tập trung có những giải pháp căn cơ và cho đến nay, chỉ số PCI của Quảng Nam nằm trong top cao.

BTV: Sau khi KKT mở Chu Lai hình thành thì Chính phủ đã có những cơ chế ưu đãi được xem là táo tạo. Đến năm 2005 thì một loạt KKT được hình thành và và có cơ chế ưu đãi tương tự, vậy Quảng Nam đã làm gì để tạo ra ưu đãi khác biệt trong mắt nhà đầu tư?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Theo ưu đãi khi thành lập KKT mở Chu Lai thì các nguồn thu phát sinh trên địa bàn được giữ lại địa phương trong 10 năm để đầu tư cho hạ tầng và 50% của 10 năm tiếp theo, nhưng chỉ sau 3 tháng thành lập (năm 2003) thì Chỉnh phủ đã có quyết định bãi bỏ toàn bộ cơ chế nguồn thu ưu đãi đối với Chu Lai và trở lại cơ chế cấp phát 50-60 tỷ đồng/năm để đầu tư hạ tầng trong khi nếu áp dụng cơ chế ưu đãi thì nguồn thu của Quảng Nam có thể lên đến 500-600 tỷ đồng/năm. Do vậy, nhiều dự án phải dừng, giãn, hoãn.

Trước tình hình đó Quảng Nam đã điều chỉnh, xác định lối đi riêng, đó là tập trung huy động các nguồn lực riêng có, thực hiện cơ chế nhà đầu tư bỏ vốn GPMB và trừ dần vào tiền thuê đất hằng năm và đây là cơ chế huy động vốn bên ngoài của Quảng Nam để phát triển cơ sở hạ tầng trong KKT mở Chu Lai trên tinh thần dự án đến đâu xây dựng đến đấy. Ngoài hàng rào thì tỉnh đáp ứng điện, đường, nước, trong khu kinh tế thì Quảng Nam lập doanh nghiệp sự nghiệp có thu để huy động các nguồn vốn khác nhau để phát triển hạ tầng KTT.  Thứ ba, Ban Quản lý KKT mở Chu Lai xác định phải luôn đồng hành cùng DN, phục vụ DN, cùng DN tháo gỡ mọi vấn đề khó khăn từ GPMB đến xử lý nước thải hỗ trợ DN đào tạo lao động từ nguồn ngân sách của tỉnh, đào tạo có địa chỉ…

BTV: Với việc tỉnh Quảng Nam tháo gỡ khó khăn trong từng giai đoạn, theo Bộ kế hoạch đầu tư, đến nay, liệu KKT Chu Lai đã có được những ưu thế “mở” hay chưa?

Ông Đặng Huy Đông: Tôi cho rằng, với sáng tạo của mình, đáp ứng với sự thay đổi của chính sách chung của quốc gia, địa phương đã tính toán kỹ để không vi phạm quy định chung.

Tôi cho rằng, Chu Lai đã có một số chính sách mở, một số chính sách chưa được khai thác hết.

Ví dụ khu thương mại tự do trong khu kinh tế mở Chu Lai chưa triển khai được; thứ hai về quy hoạch cảng hàng không quốc tế, Chu Lai là một trong những cảng quốc tế, chúng ta có mấy chục sân bay, nhưng không phải tất cả đều là cảng hàng không quốc tế - một lợi thế lớn. Tuy nhiên để lợi thế chính sách trở thành hiện thực, không thể khiên cưỡng, phải phụ thuộc vào thị trường.

KKT mở Chu Lai được chọn là 1 trong 5 nhóm KKT ven biển được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015. Chu Lai đã và sẽ được bố trí 790 tỷ đồng, đây là sự ưu tiên.

Tóm lại, những chính sách ưu tiên cho khu kinh tế mở đã có. Tuy nhiên một số chính sách có rồi nhưng chưa triển khai được hiệu quả.

BTV: Với QĐ 1231 mới đây mà ông Đặng Huy Đông vừa đề cập đến, có liên quan tới việc đầu tư tập trung cho 5 KKT mở, trong đó có KKT mở Chu Lai, xin hỏi đại diện Quảng Nam, vậy Quảng Nam sẽ làm gì với lợi thế đó?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Với chủ trương của Chính phủ và ý kiến của ông Đặng Huy Đông, trên cơ sở 18 khu kinh tế mà Chính phủ rà soát trên cơ sở tham mưu của Bộ KHĐT và thực tế hiệu quả của các khu kinh tế, Chính phủ chọn 5 khu trong đó có Chu Lai của Quảng Nam, Dung Quất của Quảng Ngãi…  được chọn nằm trong một trong 5 khu kinh tế trọng điểm, từ 2013-2015 được đầu tư 65% tổng mức đầu tư về hạ tầng và 35% đầu tư các địa phương, khu kinh tế khác.

Trên co sở đó, Quảng Nam tập trung vào các nguồn lực trung ương bố trí, tập trung giai đoạn 2013-2015 hoàn thành cơ sở hạ tầng trọng yếu, bao gồm trục đường giao thông liên vùng, để khai thác sử dụng, giúp nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận, giảm thiểu chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Thứ 2, tập trung phục vụ cho chương trình hiện rất được quan tâm là nhà ở cho công nhân theo hướng kinh phí này dùng để tạo hạ tầng cơ bản nhất, ví dụ như Trường Hải đang triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân.

Thứ 3, tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp trong KKT mở Chu Lai và phát triển dịch vụ.

Một lợi thế như ông Đặng Huy Đông có ý kiến là KKT mở Chu Lai được cho phép là khu thương mại tự do, quy hoạch của Chính phủ là 75 ha nhưng cho đến nay  chưa triển khai được là do chưa có thị trường. Như ông Đặng Huy Đông nói, không thể khiên cưỡng nhà đầu tư vào đấy mà không có thị trường. Tôi thấy, sau 10 năm rút ra kinh nghiệm, các KKT đều vướng là có khu thương mại tự do nhưng chưa triển khai được, mặc dù chúng ta đã gia nhập WTO nhưng thị trường chưa có nên nhà đầu tư chưa đến.

Sân bay Chu Lai là sân bay quy hoạch cho quốc tế, nhưng cho đến nay mới bay tuyến Chu Lai- TPHCM, Chu Lai – Hà Nội. Như vậy, nước ta có rất nhiều cảng biển, sân bay, nhưng sân bay quốc tế thì là câu chuyện còn ở phía trước,  liên quan đến vấn đề thị trường, phát triển.

BTV: Dưới mắt nhà đầu tư, liệu đến thời điểm hiện nay thì các ưu đãi này có còn nguyên sức hấp dẫn với nhà đầu tư?

Ông Phạm Văn Tài: Năm 2003 những ưu đãi của Chu Lai là đúng thời điểm, và đã hấp dẫn chúng tôi đến đây đầu tư nhưng đã qua 10 năm, có những cơ chế không còn phù hợp, như chúng ta đã nói “cái áo đã chật” và cần phải có những đột phá, thay đổi. Vào sân chơi lớn là AFTA thì những chính sách lỗi thời không phù hợp và chúng ta cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ thu hút nhà đầu tư và chúng ta cần xem xét lại chính sách, cơ chế ưu đãi được áp dụng từ 10 năm qua.

BTV:  Vậy ông có những ý tưởng hay đề xuất cụ thể gì?

Ông Phạm Văn Tài: Đối với những dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô, về nguyên tắc nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro do dung lượng thị trường của chúng ta còn nhỏ  vì vậy phải có cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, KHCN…

BTV: Với nguồn vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng theo quyết định của Thủ tướng về tập trung đầu tư cho 5 khu kinh tế trọng điểm trong đó có Chu Lai, Quảng Nam sẽ đầu tư mạnh cho các dự án hạ tầng, đào tạo… Đây có phải là điều cần thiết đối với các nhà đầu tư hiện nay?

Ông Phạm Văn Tài: Chúng tôi hiểu là cần phải liên kết lại, kể cả những liên kết vùng để tạo ra những chuỗi giá trị, vùng sản xuất. Vì vậy, đầu tư hạ tầng, phát triển đào tạo thì phải làm thường xuyên, liên tục nhưng phải có những ý tưởng đột phá để kết nối các nhà sản xuất nhỏ lẻ thành một chuỗi giá trị. Đơn cử như trong ngành công nghiệp ô tô, chúng ta có thể sản xuất 1 vài chi tiết với mong muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như vậy cần phải có sự liên kết mạnh hơn nữa.

BTV: Về nhu cầu liên kết, Quảng Nam đã xúc tiến, trong thực hiện có những khó khăn  gì thưa ông?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Theo quy định 148 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết vùng kinh tế trọng điểm, miền Trung đã lập Ban chỉ đạo liên kết vùng do Bí thư Đà Nẵng làm Trưởng Ban, các đồng chí bí thư các tỉnh còn lại làm thành viên.

Mới đây, có nhiều hội thảo, cho thấy nhu cầu cấp thiết hiện nay phải có sự liên kết vùng, các tỉnh phân công, phân nhiệm theo sự điều phối của Ban chỉ đạo.

Nếu chúng ta không có liên kết thì chúng ta tự giết mình. Bởi tỉnh nào cũng có khu kinh tế, các tỉnh cạnh tranh không lành mạnh, cục bộ địa phương trong thu hút đầu tư sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Hôm qua, Viện Chiến lược chính sách của Bộ Công Thương và Ban Quản lý khu kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Quảng Nam,… đã nghiên cứu đề án phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020. Trong đó tỉnh Quảng Nam có nhà máy sản xuất động cơ của Trường Hải làm nòng cốt, các tỉnh trong khu vực tham gia liên kết sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo ra chuỗi giá trị. Vấn đề liên kết không chỉ trong sản xuất ô tô, còn mở rộng cả về nông nghiệp, du lịch,…

BTV: Ở tầm quản lý vĩ mô thì vai trò của Bộ KHĐT trong việc điều phối chính sách liên kết vùng?

Ông Đặng Huy Đông: Vai trò điều phối về chính sách của Bộ KHĐT là nhiệm vụ phải làm.

Vấn đề liên kết thể hiện 2 khía cạnh. Thứ nhất, liên kết để kết hợp lợi thế so sánh của những vùng kinh tế lân cận để tạo sức mạnh chung, đó là một chính sách.

Nhưng tôi thấy ý của ông Phạm Văn Tài đưa ra khái niệm khá là mới đối với chúng ta và được nhắc đến nhiều nhưng chưa được nghiên cứu sâu sắc về nội hàm để xây dựng chính sách là khái niệm “liên kết ngành”.

Khái niệm này đã chứng minh sự thành công ở nhiều quốc gia trong phát triển kinh tế. Nếu làm đúng tạo ra cụm liên kết ngành sẽ tạo ra chuỗi giá trị mà ở đó, các mắt  xích ở chuỗi giá trị do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ nhiều hơn. Còn thuần túy bám vào chuỗi giá trị toàn cầu thì không hề đơn giản.

Trong trường hợp cụ thể, nếu chúng ta phát triển cụm liên kết ngành ô tô, nếu chúng ta xác định Chu Lai phát triển công nghiệp ô tô, thì phải có các chính sách đi theo. Và một trong những chính sách quan trọng nhất để phát triển công nghiệp ô tô, phải tạo ra quy mô.

Ví dụ, Thaco đã sản xuất được xe buýt và được thị trường chấp nhận. Vậy tại sao không có chính sách các tỉnh, thành phố lớn khi phát triển hệ thống xe buýt cần ưu tiên sử dụng sản phẩm này. Nếu quy mô đạt 1 vạn xe/năm thì rõ ràng công nghiệp phụ trợ ô tô trong vùng sẽ phát triển.

Lấy một ví dụ khác, khi Nissan vừa chính thức mở nhà máy sản xuất động cơ hybrid tại Thái Lan. Chính quyền Thái lan đặt điều kiện Nissan phải mở nhà máy sản xuất động cơ tại nước họ. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn mở nhà máy thì điều kiện quan trọng là phải sản xuất động cơ. Điều kiện ngược lại của Nissan là chính quyền Thái Lan phải đảm bảo cam kết hỗ trợ chính sách (thuế) để doanh nghiệp tiêu thụ tối thiểu 2 vạn xe 1 năm...

Như vậy chuỗi liên kết ngành là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta để tâm hoàn toàn có thể tạo ra được những chuỗi giá trị.

Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm xây dựng các cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó các doanh nghiệp, các tác nhân nắm mắt xích trong chuỗi giá trị phải làm chủ được.

BTV:  Việc xác định dự án động lực cho địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Mục tiêu của việc đưa ra dự án động lực sẽ làm đòn bẩy kích thích các dự án khác phát triển. Ông có thể cho biết cụ thể về chiến lược của Quảng Nam?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Tất cả các khu kinh tế đều cần phải có   động lực. Qua xem xét, chúng tôi thấy gần chúng ta Quảng Ngãi có khu kinh tế lọc  hóa dầu, Nghi Sơn cũng là lọc hóa dầu, Vũng Áng là thép. Như vậy, chúng ta có  phải có nhà máy động lực, từ đó, xác định trung tâm cơ khí    ô tô. Với nền tảng phát triển và thành công của Trường Hải, mới đây chúng ta triển khai nhà máy sản xuất động cơ ô tô do Hyundai Trường Giang đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 là 129 triệu USD. Đến hôm nay, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho triển khai theo tiêu chuẩn khí thải euro2, euro 3 đến hết 2013.

Theo Quyết định 49 của Chính phủ, tiêu chuẩn euro 2, 3 kết thúc vào 1/1/2017. Như vậy, chúng tôi xin cơ chế thêm  1 năm nữa để thực hiện xây dựng nhà máy Huyndai  Trường Giang với sản lượng  tương đương 100.000 động cơ.

Trên cơ sở như vậy, chúng tôi cùng với ô tô  Trường Hải  tham mưu cho các bộ, ngành trung ương và địa phương thẩm định dự án.

Trên cơ sở đó, chúng tôi phối hợp với Bộ Công Thương, cụ thể là Viện Chiến lược chính sách của Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng đề án.

Theo đó, chúng tôi đã tập trung giải tỏa đền bù mặt bằng và quy hoạch 700 ha khu công nghiệp Tam Anh, gần khu công nghiệp của ô tô Trường Hải. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến và đã báo cáo, được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất, đưa vào chương trình đầu tư từ nay đến 2020 khu liên hợp công nghiệp đô thị Việt - Hàn theo mô hình VSIP Bình Dương. Theo đó, Bộ KHĐT Việt Nam và Bộ Công nghiệp thương mại năng lượng của Hàn Quốc đã thống nhất và tháng 8 này, Bộ Công nghiệp thương mại năng lượng Hàn Quốc sẽ làm việc chính thức với phía Việt Nam và báo cáo với Bộ KHĐT để triển khai khu liên hợp công nghiệp Việt - Hàn. Tại đây, những sản phẩm, nhà máy, dự án công nghiệp phụ trợ sẽ được   đầu tư. Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với đơn vị tiền trạm của Bộ công nghiệp thương mại năng lượng Hàn Quốc.

BTV: Điểm khác biệt của một mô hình KKT mở là cơ cấu phát triển tại đây khá toàn diện, bao gồm cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính,... với kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ. Bộ KHĐT đánh giá như thế nào về việc hiện thực hóa mục tiêu này tại Chu Lai?

Ông Đặng Huy Đông: Để hiện thực hóa phải một quá trình, phải đủ lượng nhất định thì mới chuyển thành chất. Chúng ta định nghĩa KKT là một không gian kinh tế không chỉ có các nhà máy, các KCN mà còn có không gian sống của những người làm việc trong các KCN đó, nó còn là môi trường, nhà ở, là khu dịch vụ phục vụ cuộc sống, trường học, bệnh viện… nhưng chúng ta không thể bỏ một lượng tiền lớn để làm những cái đó trước và rồi hy vọng nhà đầu tư sẽ đến. Điều này rất rủi ro.

Câu chuyện ở đây giống như chuyện “quả trứng, con gà” nhưng vấn đề là con gà phải có đủ thời gian để lớn. Với quy mô KKT mở Chu Lai có 11.000-14.000 lao động thì đã bắt đầu phải quan tâm đến không gian đô thị, để người ta sinh sống, xác định đấy là nơi sẽ an cư lạc nghiệp thì phải có trường học, bệnh viện cho con cái người lạo động… tất cả đều phải tính đến. Nhưng khi đã có 2-3 vạn lao động là quy mô khác hẳn.

Tôi cho rằng KKT phải có không gian đầy đủ nhưng đòi hỏi phải có thời gian giống như cây trồng phải có thời gian.

BTV: Dưới con mắt của nhà đầu tư, một không gian kinh tế ở Chu Lai đã hình thành ở tiến độ như vậy, và thời gian tới cần có những chính sách như thế nào để có thể thu hút nhà đầu tư vào những lĩnh vực phi công nghiệp trong KKT mở Chu Lai?

Ông Phạm Văn Tài: Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật cần phải quan tâm đến hạ tầng xã hội, con người làm việc trong các KCN sẽ sinh sống ở đâu có những tiện ích gì, giải trí gì, kể cả nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại KKT.

Sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh Quảng Nam rất muốn triển khai công việc này nhưng vấn đề là làm cái gì vào lúc nào cho phù hợp chứ không nên làm sớm quá, đi tắt đón đầu sớm quá cũng không được.

10 năm qua chúng ta đã hình thành được một phần không gian kinh tế ở Chu Lai và tiếp theo thì phải thay đổi, đầu tư mạnh cho hạ tầng xã hội, bên cạnh hạ tầng đường sá, và những tiện ích khác để có thể thu hút không chỉ nhà đầu tư nước ngoài sinh sống lâu dài, hay những nhà đầu nhỏ lẻ ở TPHCM có thể từ bỏ những tiện nghi tốt ở TPHCM để đầu tư vào đây.

BTV: Hiện nay, chưa rõ về chức năng quản lý đầu tư với chức năng quản lý các vấn đề an sinh xã hội trong các khu kinh tế. Không chỉ Chu Lai mà các khu kinh tế ven biển đều xuất hiện những mâu thuẫn này, vậy phải xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Huy Đông: Sau quá trình phát triển, mô hình kinh tế mở đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế cản trở sự phát triển. Hiện đã xuất hiện khái niệm mới là “đặc khu hành chính – kinh tế”, để xử lý các vấn đề hành chính, quản lý xã hội ở các khu kinh tế. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu về vấn đề này.

Quay trở lại với việc xử lý sự bất cập, chồng chéo giữa quản lý phát triển kinh tế với bộ máy hành chính hiện hành Chu Lai, ở đây liên quan đến nhiều vấn đề cụ thể, phải xử lý một cách toàn diện, đòi hỏi nhiều cơ quan, bộ, ngành cùng giải quyết.

BTV: Vấn đề thu hút đầu tư ở KKT mở Chu Lai lâu nay thiên về đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài dường như chưa mặn mà lắm hoặc chưa biết đến. Theo ông, chúng ta có một chính sách mới hơn hay không hay do chúng ta chưa cải thiện được môi trường đầu tư để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Huỳnh Khánh Toàn: Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới xu hướng đầu tư. Như tôi nói ban đầu, chúng tôi hình thành 2 đơn vị, một là KKT mở Chu Lai có phòng đầu tư chuyên nghiệp, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Ngoài Chu Lai có Ban kinh tế đầu tư, ngay từ  ngày đầu thành lập Khu kinh tế, chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, hình thức là các đoàn cùng bộ, ngành trung ương đi xúc tiến đầu tư.

Đến nay, xu thế đầu tư của Chu Lai đối với nước ngoài là thấp. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân hết sức cơ bản là hạ tầng. Nếu đầu tư đồng bộ và hiện đại, với đầy đủ 2 loại là hạ tầng cứng và hạ tầng mềm như ông Phạm Văn Tài nói, họ khó vào Chu Lai mà không thấy có trường quốc tế, bệnh viện (mới đây được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ qua viện trợ ODA), đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh cho chuyên gia và các nhà đầu tư trong KKT mở Chu Lai.

Riêng hạ tầng trọng yếu như sân bay quốc tế, khách đến thì sân bay nhỏ, hệ thống đường băng chưa được nhà nước đầu tư. Chúng tôi đã đầu tư tuyến đường từ đường quốc lộ đến đường 16,20 đi vào nhà ga, trên cơ sở đó, tổng cục hàng không mới làm được nhà ga. Hiện nay sân bay Chu Lai đang được đầu tư hệ thống không lưu và đường dẫn, nhưng hệ thống thông tin tín hiệu cho máy bay hạ cánh vào ban đêm và vào mùa mưa thì chưa có bởi chưa có thị trường, khách ít quá.

Thứ 2, là nguồn nhân lực. Chúng tôi tập trung nhiều cho nguồn nhân lực với 2 trường ĐH, 9 trường CĐ, 40 trung tâm.

BTV: Qua câu chuyện của các vị khách mời đến từ Bộ KHĐT, từ tỉnh Quảng Nam cũng như đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai trong 1 tiếng đồng hồ qua, có thể thấy rằng, sự hình thành KKT mở Chu Lai đã góp phần hoàn thiện về mặt lý luận quản lý kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập của Việt Nam, cũng như từng bước được khẳng định vai trò của mô hình Khu kinh tế trong sự nghiệp phát triển của Quảng Nam nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.

Dù đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, nhưng, từ thực tế có thể thấy hoạt động của Khu kinh tế mở này còn nhiều hạn chế so với những tiềm năng, yêu cầu và kỳ vọng đặt ra. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai này, cùng với việc đánh giá khách quan hiệu quả thì các ngành chức năng, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách sẽ làm rõ những vấn đề còn gây tranh cãi, những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách để kịp thời có những kiến nghị cho việc tiếp tục hoàn thiện mô hình KKTM của Việt Nam. Qua đó, các địa phương sẽ thành công hơn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tìm những nhà đầu tư chiến lược, hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế XH của đất nước.

Chương trình được kết thúc tại đây. Cảm ơn sự tham gia của các vị khách mời. Cảm ơn sự theo dõi của độc giả.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây