Mùa xuân nhớ lời bác dạy về nghiệp học

Thứ năm - 06/02/2014 14:38 1.393 0
Tháng 9.1949, Bác Hồ viết như vậy trong trang đầu Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Lời căn dặn đó của Bác Hồ cũng là trách nhiệm của cả người học và người dạy, để trở thành Người - Chữ Người viết hoa và với nghĩa rộng.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi - Ảnh: Tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập là một chặng đường dài không có điểm kết thúc, là cái thang không có bậc cuối cùng. Bác Hồ cũng nhấn mạnh việc học tập nâng cao trình độ của bản thân có nội dung cách mạng chứ không phải học tập vì những động cơ cá nhân. Việc học tập, rèn luyện toàn diện để có đủ đức đủ tài, nâng cao hiểu biết để phục vụ nhân dân là điều phải làm hằng ngày. Hơn ai hết, Người hiểu rằng: nền văn hóa truyền thống Việt Nam còn mang nhiều thiếu hụt, hạn chế; trình độ khoa học kỹ thuật thấp kém, lề lối sản xuất chưa được cải tiến, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu. Việc học tập tiếp thu những tri thức mới, những kinh nghiệm mới để làm chủ khoa học kỹ thuật, để tiến kịp với trình độ văn minh của nhân loại là điều rất cần thiết và quan trọng. Người còn nhấn mạnh:

“Muốn biết thì phải thi đua học.
           Học không bao giờ cùng.
           Học mãi để tiến bộ mãi.
           Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm"

Học để làm gì là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Giáo dục hiện đại hướng đến việc đào tạo những con người có tầm tư duy rộng mở trong một thế giới toàn cầu hóa, có tinh thần dân chủ, có khả năng hợp tác và có thể làm việc trong môi trường quốc tế. Mục đích học của học sinh hiện đại hướng đến không (chỉ là) để vượt qua kỳ thi, mà là để trở thành một con người có tư duy độc lập, có kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, có tri thức vững chắc cho tương lai của mình.

UNESCO đã xây dựng 4 trụ cột cho việc học. Đó cũng là định hướng cho giáo dục của nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba:Học để biết, học để làm, học để xác lập bản thân và học để chung sống với người khác (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Từ góc nhìn đó, có thể thấy ở Việt Nam 2 trụ cột quan trọng: Học để biết  Học để xác lập bản thân vẫn chưa đậm nét trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, học để biết đã biến dạng thành học để thi. Học sinh đi học chỉ để qua kỳ thi và cha mẹ cũng chỉ mong con đạt điểm tốt. Giáo viên cũng dạy để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên... (!).

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội Ảnh: Tư liệu

Mục tiêu học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong trường học ngày nay. Sau khi tốt nghiệp đại học, điều đầu tiên của một tân cử nhân cần phải làm khi ứng tuyển vào các cơ quan là phải đưa ra một tấm bằng “đẹp”. Muốn có bằng “đẹp” lại phải “lo” điểm “đẹp” từ khi còn ở giảng đường đại học. Tân cử nhân trở thành tân cán bộ tuy không thể được bổ nhiệm ngay vào các vị trí lãnh đạo như thời phong kiến nhưng (từ đó trở đi) sẽ quen dần với việc đánh giá, bình xét, quy hoạch, bổ nhiệm... với những yêu cầu về bằng cấp là tiêu chuẩn “cứng” đầu tiên..

Để thay đổi “tập quán” tư duy này, không những cần thay đổi tư duy của giáo viên và học sinh mà còn cần thay đổi cả tư duy và cách quản lý giáo dục, thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Trách nhiệm đảm nhận công việc xúc tiến những thay đổi đó trước hết thuộc về những nhà hoạch định chính sách giáo dục.

Nhớ lại lời Bác Hồ dặn: “Học để làm người” có thể thấy tầm nhìn xa của Người về tính toàn diện của giáo dục, để mỗi người lớn lên được giáo dục để trở thành Người - Chữ Người viết hoa và với nghĩa rộng. Điều này hoàn toàn tương hợp với những tiêu chí giáo dục hiện đại của UNESCO.

Quyết Lam (Theo TTO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây