Con người của “một nền văn hoá tương lai”

Thứ hai - 15/04/2013 20:47

Con người của “một nền văn hoá tương lai”

Một nhà báo Xô viết nhận xét: "Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai”. Nền văn hoá của tương lai chính là những năng lực của một dân tộc có thể hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được giá trị của chính mình, gắn lợi ích của cá nhân với cộng đồng, gắn lợi ích của dân tộc mình với nhân loại trên cơ sở của nguyên l‎ý “Không có gì quý ‎ hơn độc lập và tự do”.

Cách đây hơn 80 năm, không rõ những ấn tượng gì khiến cho nhà báo Xô viết Ôxip Manđenstam, chỉ sau một lần gặp không hẹn trước trên một chuyến tầu tốc hành tại nước Nga đã đưa ra những lời nhận xét  “ ở Nguyễn Ái Quốc toả ra một sự giản dị lịch thiệp và tinh tế. Qua phong thái thanh cao, giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái nhân loại…


Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với một đoàn khách nước ngoài.

Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai”(Báo “Ngọn lửa nhỏ” 1923). 
 80 năm sau, thời gian như một thứ thuốc hiện hình đã  làm cho lời nhận xét của nhà báo Xô viết năm xưa càng trở nên thuyết phục, càng trở nên hấp dẫn không phải chỉ đối với những đồng bào của Hồ Chí Minh mà với nhiều bạn bè quốc tế.
 Với dân tộc Việt Nam, trước hết Hồ Chí Minh là một tấm gương yêu nước và đoàn kết dân tộc khi đã thành công trong vai trò người lãnh đạo tối cao của sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân, giành độc lập, thưc hiện 2 cuộc kháng chiến chống sự can thiệp của ngoại bang để bảo toàn nền độc lập và thực hiện được sự thống nhất quốc gia.

Thành công đó không chỉ nhờ sự sáng suốt của một đường lối chính trị mà còn nhờ sức hấp dẫn của một tấm gương  kết tinh của những đạo l‎ý‎ truyền thống dân tộc, của phương Đông và  của nhân loại. Sự kết tinh ấy không chỉ thể hiện trong nhận thức khi Hồ Chí Minh tự nhận mình là“người học trò nhỏ” của tất cả các bậc vĩ nhân đại diện cho tính đa dạng của nền văn minh nhân loại từ Đức Phật Thích Ca, Đức Giê Su, Khổng tử, K.Mác, Lênin cho đến Tôn Trung Sơn , Thánh Gandhi hay G.Washington … Sự kết tinh ấy còn thể hiện được trong sự mẫu mực của một lối sống kết hơp chặt chẽ giữa các phẩm chất truyền thống và hiện đại của một con người không chỉ thể hiện trong tinh thần mà còn trong ứng xử đời thường.
 Người Việt
Nam còn khai thác được rất nhiều bài học từ Hồ Chí Minh trong đời sống  hôm nay và ngày mai. Và điều có thể thấy là ngay trong những biến đổi to lớn ngày hôm nay người ta có thể tìm thấy những lời giải đáp từ những tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong quá khứ.

Trong những thử thách của thời bình hay thời chiến bài học và tấm gương về đại đoàn kết vẫn soi sáng cho những thành công. Khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng xã hội, chúng ta càng thấm nhuần quan niệm của Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện từ hơn 80 năm trước (1924) rằng ở Việt Nam sự phân hoá giai cấp không giống như ở châu Âu, ở Việt Nam “chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn”.

Khi chúng ta bắt tay vào xây dựng  nền kinh tế thị trường và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc Đổi mới thì bắt gặp nguyên lý “dân giàu thì nước mạnh” trong mối quan hệ giữa giới công thương và nền kinh tế quốc dân đã được xác lập từ những ngày đầu Độc lập.


Thân thiện, gần gũi với các vị khách nước ngoài

Khi ta đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nền văn hoá mới thì phải tìm lại những bài học sâu sắc của cuộc vận độg “Đời Sống mới”, “Sửa đổi lề lối làm việc” đã từng được triển khai cùng với cách mạng và kháng chiến Khi chúng ta phát động cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu và tham nhũng thì những lời cảnh báo và những biện pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra từ những ngày đấu xây dựng chế độ mới vẫn hoàn toàn mang giá trị thời sự. 

Khi chúng ta hoà giải với kẻ thù trong quá khứ để hướng tới sự hợp tác tương lai với một số quốc gia vốn từng là thù địch, thì những biểu hiện tốt đẹp của Hồ Chí Minh trong quan hệ đối với nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đã trở thành một nguồn lực cho quá trình hội nhập của dân tộc Việt Nam trong thế giới đương đại v.v…
 Chúng ta có thể tìm thấy vô vàn những chứng cứ lịch sử và sự đánh giá nhìn từ bên ngoài đối với Hồ Chí Minh như hiện thân của sự khoan dung, nhân ái và hoà bình. Đó là những phẩm chất mà con người Việt
Nam hôm nay và tương lai phải kế thừa và phát huy trong tiến trình hội nhập.
 Cái gì khiến cho một sĩ quan tình báo Mỹ đã từng thực hiện một cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh vào đầu năm 1946 với nhiệm vụ trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai ?”, chỉ sau một lần gặp gỡ đã  kể lại cảm nhận của mình trong môt bức thư gửi về nước cho mẹ: “Khi được hỏi rằng Hồ Chí Minh là một người như thế nào, con sẽ mô tả ông ấy như một sự kết hợp giữa Thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincohn”. Thánh Francis là biểu tượng của đức tính nhân ái Thiên Chúa giáo còn A.Lincohn là vị tổng thống Mỹ biểu trưng cho sự đoàn kết của cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ. Nửa thế kỷ sau khi viết bức thư này,  tác giả Georges Wickes,  lúc này đã là một giáo sư Đại  học đã trao  cho tôi bản chép lá thư này và nói rằng quan điểm của mình về Hồ Chí Minh  vẫn nguyên vẹn .
 Cái gì khiến cho nhiều chính khách lớn của các quốc gia đã từng tham gia  chiến  ở Việt Nam, cuối cùng  đều phải thừa nhận rằng quốc gia của mình đã sai lầm khi đối đầu với Hồ Chí Minh và càng sai lầm khi đã bỏ lỡ những cơ hội để tiếp nhận những thiện chí mong muốn hoà bình và hợp tácvới một con người mà trong những thông điệp đầu tiên  với tư cách là người đứng đầu nhà nước Việt Nam độc lập đã tuyên bố : “Việt Nam muốn thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới, không muốn gây thù oán với ai !”(1945).
 Có thể thấy gần như một sự nhất trí trong nhận thức của những người nước ngoài  khi đề cập tới Hồ Chí Minh như biểu tượng trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại, như một phẩm chất tinh hoa của con người Việt Nam hiện đại. Đó là nhận thức về sự nghiệp và nhân cách của Hồ Chí Minh.
 Charles Fenn, một sĩ quan tình báo chiến lược cũng là quan chức đầu tiên  của Mỹ tiếp xúc với Hồ Chí Minh vào tháng 3-1945 đã có ấn tượng đầu tiên là “tôi biết tôi đang đứng trước một con người phi thường”. Khi Mỹ đang tiến hành cuộc Chiến tranh Việt Nam, Ch.Fenn viết cuốn sách về tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh được coi là ấn phẩm tiếng Anh đầu tiên viết về Hồ Chí Minh xuất bản ngoài Việt Nam. Ông trả giá cho việc làm đó bằng việc bị trục xuất khỏi nước Mỹ buộc phải sống lưu vong. Cách đây không lâu, trước khi qua đời, vào lúc đã ngoài trăm tuổi , Ch.Fenn nói về những nhận xét cuối cùng về Hồ Chí Minh :
 “Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian dài, Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu của mình trên các biến cố quốc tế trước khi cả Mao Trạch Đông, Gandhi, Nehru, Roosevelt, Churchill hay De Gaulle được biết đến trên thế giới. Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam , những thành quả phi thường của ông bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế giới” (2000)
 Nhà báo Pháp Jean De Lacouture, người đã từng gặp Hồ Chí Minh từ năm 1946, trở thành một chuyên gia về lịch sử hiện đại Việt Nam, mới đây đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng : “Tôi đã từng gặp nhiều nhà lãnh đạo người châu Á và châu Phi. Nhưng khi gặp Hồ Chí Minh tôi thấy đó là con người rất ôn hoà. Theo tôi, tất nhiên đó là một người tha thiết với nền độc lập của Việt
Nam, đến chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong đời mình, tôi chưa từng gặp một con người lại tìm mọi cách tránh đổ máu. Tôi tin là Hồ Chí Minh cố gắng tránh chiến tranh, tránh những xung đột quân sự và khao khát giải quyết bằng con đường hoà bình. Tôi nghĩ Hồ Chí Minh vừa là một con người yêu chuộng hoà bình lại vừa là một nhà cách mạng”.(2.2007)
 William Duiker là một nhà sử học thuộc thế hệ chưa có cơ hội gặp Hồ Chí Minh nhưng ông là tác giả tập chuyên khảo được coi là đồ sộ nhất của người nước ngoài viết về Hồ Chí Minh  (HCM –a life , NXB Hyperion N.Y 2000)  đã đề cập tới các chiều kích khác nhau trong nhận thức về Hồ Chí Minh ở thời điểm kết thúc thế kỷ XX và đưa ra sự nhận xét :
 “Cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh là cốt lõi của một số vấn đề quan trọng tạo nên dấu ấn thế kỷ 20, kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cách mạng, chủ nghĩa quân bình và phấn đấu vì quyền tự do của con người… Hồ Chí Minh đã thể hiện hai động lực quan trọng của xã hội hiện đại – khao khát độc lập dân tộc và phấn đấu vì công bằng kinh tế và xã hội.”
 Những phẩm chất đó cũng là cơ sở để Stanley Karnow, nhà báo  Mỹ đã từng nhận giải Pulitzer và là tác giả kịch bản bộ phim “Việt Nam thiên lịch sử truyền hình” nổi tiếng , cũng lại  là người được tờ tạp chí Time phát hành 5 triệu bản mỗi kỳ biên soạn tiểu sử Hồ Chí Minh trong số 20 nhân vật chính trị được bầu chọn là “những gương mặt làm thay đổi bộ mặt của hành tinh thế kỷ XX” đã viết những lời đánh giá dưới đây :
 “Không có một sự thay đổi nào trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không gì có thể lay chuyển được ý‎ chí của Ông. Ngay cả khi cuộc chiến tranh tàn phá đất nước khốc liệt nhất, Ông vẫn tiếp tục tận tụy vì độc lập cho Việt
Nam. Và hàng triệu người Việt Nam
chiến đấu và hy sinh cũng để đạt được mục tiêu ấy”.
 Đó chính là những bài học và phẩm chất mà chúng ta có thể tìm thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống hội nhập và phát triển. Nền văn hoá của tương lai chính là những năng lực của một dân tộc có thể hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được giá trị của chính mình, gắn lợi ích của cá nhân với cộng đồng, gắn lợi ích của dân tộc mình với nhân loại trên cơ sở của nguyên l‎ý “Không có gì quý ‎ hơn độc lập và tự do”.

TRƯƠNG VĂN PHƯƠNG (ST)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây