Toàn cảnh buổi làm việc |
Chăn nuôi theo chuỗi giá trị là người chăn nuôi ( nông dân) liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế hiện tại còn nhiều điểm bất cập dẫn đến mối liên kết này không chặt chẽ, có nguy cơ bị đổ bể bất cứ lúc nào mà tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương thị xã Bình Long là một ví dụ.
Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương thị xã Bình Long được thành lập cuối năm 2013, ban đầu có 13 thành viên, đến nay là 19 thành viên nuôi trung bình 300.000 - 500.000 con/năm. Tổ hợp tác thực hiện chăn nuôi theo chuỗi giá trị (đây cũng là mô hình thực hiện đầu tiên tại Bình Long) đó là: Các Công ty Cao Khanh, Bình Minh, Minh Dư cung ứng giống; Công ty thuốc thú y Tân Tiến cung ứng thuốc, vác xin, Công ty ADECO ( CTy Cổ phần phát triển nông nghiệp thanh niên xung phong – TP.HCM) cung ứng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Các công ty đảm bảo cung ứng các sản phẩm đầu vào chất lượng, uy tín, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Các thành viên trong tổ nuôi các giống gà , sử dụng cùng loại thuốc và thức ăn do các công ty ở trên cung ứng và bán lại sản phẩm chăn nuôi theo giá thỏa thuận như hợp đồng đã cam kết vào đầu mỗi năm.
Thời gian đầu, chuỗi giá trị này vận hành tương đối tốt, đạt hiệu quả cao. Cuối năm 2014 tổ hợp tác tiến hành tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm nhằm phát triển ổn định và nhân rộng mô hình này, song thực tế năm 2015 không đạt được như mong muốn bởi các lý do sau:
1. Năm 2014 Công ty ADECO ký hợp đồng với nông dân mua sản phẩm là 65.000đ/kg, gà nuôi đến khi xuất chuồng thì công ty cho xe lên chở cuốn chiếu trong vòng 1-2 ngày là hết. trong khi đó giá thị trường các thương lái mua tại trại giá trung bình chỉ 60.000đ-62.000đ/kg. lúc này người nông dân có lãi còn Công ty ADECO bị lỗ.
2. Đầu năm 2015, từ thực tế năm 2014 Công ty ký hợp đồng với các hộ nuôi mua sản phẩm với giá 60.000đ/kg (với giá giống sàn là 14.000đ/con) nếu giá giống cao hơn sẽ chia đôi phần chênh lệch và công ty sẽ cộng phần chia đôi giá giống vào giá thu mua sản phẩm cho 01kg (Ví dụ: giá giống tăng lên 20.000đ/con thì giá mua sản phẩm là: 60.000đ + (20.000đ – 14.000đ)/2 = 63.000đ/kg). song thực tế giá thị trường từ đầu năm đến tháng 7/ 2015 các thương lái luôn mua ở mức cao trung bình 77.000đ-80.000đ/kg.
3. Trước tình hình trên, Công ty ADECO có hỗ trợ cho 5 hộ nuôi do giá giống tăng lên 22.000đ/con với số tiền 30.000.000đ (tương đương với giá 63.000đ -64.000đ/kg; tổng là 19 tấn gà thịt).
4. Cũng do thực tế trên nên có 01 hộ chăn nuôi đã bán cho thương lái mà không bán cho công ty; một số hộ khác cũng đã bán một phần cho thương lái, một phần bán cho công ty mặc dù các hộ này có ký kết hợp đồng ( các hộ này không được hỗ trợ như 5 hộ trên dù vẫn mua gà giống với giá là 22.000đ/con).
5. Theo ông Phan Văn Túy Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà cho biết: Năm 2015 việc vận hành của tổ và các thành viên chưa nhịp nhàng ăn khớp, việc thu mua của công ty chưa đồng bộ, công ty cử thương lái đến thu mua với số lượng nhỏ, không tập trung, thời gian thua mua sản phẩm kéo dài hơn năm trước ( một trại trước đây thu mua tập trung trong khoảng 1-2 ngày thì nay kéo dài tới 5-6 ngày) làm ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm của người chăn nuôi. Hơn nữa một số hộ bán ra ngoài sẽ rất khó thu hồi vốn (do họ ứng vốn từ việc mua giống, thuốc, thức ăn). 01 hộ bán ra ngoài đã cho ra khỏi tổ và giữ lại phần chiết khấu được chia để trừ vào thiệt hại của hợp đồng.
Từ những lý do trên có thể đánh giá kết luận rằng: Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Lương là khó bền vững và đạt hiệu quả không cao bởi vì:
1. Người chăn nuôi chưa hiểu hết ý nghĩa, bản chất và tầm quan trọng của việc chăn nuôi theo chuối giá trị mà vẫn còn tư duy chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ và chạy theo giá cả thị trường. Họ vào tổ hợp tác, ký hợp đồng chăn nuôi theo chuỗi giá trị, song họ vẫn chưa hiểu hết rằng họ được gì, phải làm gì, làm như thế nào .v.v.
2. Các bên chưa làm tốt nội dung hợp đồng đã ký, chưa có biện pháp xử lý nghiêm nếu vi phạm hợp đồng.
3. Giữa các công ty và người chăn nuôi chưa tìm được điểm chung về việc chia lợi ích, rủi ro trong quá trình sản xuất, chưa ứng phó kịp thời, nhạy bén trước sự biến động thực tế của giá cả thị trường để thay đổi các điều khoản của hợp đồng.
4. Mục đích chính của Công ty ADECO là cung ứng thức ăn chăn nuôi, việc thu mua sản phẩm chỉ mang tính hỗ trợ không phải là kinh doanh chính nên việc thực hiện cá điều khoản hợp đồng còn lỏng lẻo, tạo tâm lý dễ dãi làm cho chuỗi liên kết giá trị không đi theo đúng bản chất thực của nó.
5. Sự liên kết, hỗ trợ của 4 nhà (Nhà nông, nhà Doang nghiệp, Nhà nước, Nhà Khoa học) chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và đồng bộ trong chuỗi giá trị này, chưa thực sự chủ động, tích cực khai thác các tiềm lực, lợi thế để phát triển chuỗi giá trị.
Muốn chăn nuôi theo chuỗi giá trị nói chung và chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương nói riêng, theo đúng bản chất và ý nghĩa của nó, nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì các bên tham gia phải tích cực thay đổi tư duy, cách làm, tìm được tiếng nói chung, phù hợp trong việc chia sẻ lợi ích, rủi ro. Nhạy bén với thị trường, hợp tác chặt chẽ, tận dụng tốt cơ hội, tiềm năng, lợi thế thì mới nâng cao được giá trị sản phẩm, tạo tính cạnh tranh và chăn nuôi theo chuỗi giá trị mới đạt hiệu quả, ổn định và bền vững.
Nguyễn Thị Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn