TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI Ở BÌNH LONG (BÌNH PHƯỚC) VÀ CÁCH PHÒNG, CHỐNG

Thứ ba - 08/10/2019 09:43 704 0
Bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên ở thị xã Bình Long vào ngày 26/7/2019 tại khu phố Xa Cam 2 Phường Hưng Chiến. Cho đến nay (ngày 25/9/2019) theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã dịch đã lan rộng ra 5/6 xã phường, tiêu huỷ 665 con heo các loại với trọng lượng 46.544 kg ở 54 hộ. Tuy nhiên chỉ cách hộ xuất hiện dịch đầu tiên của thị xã có heo bị bệnh và tiêu huỷ gần 20m (ngày 26/7) nhờ thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly, vệ sinh và phun xịt khử trùng, đến nay các hộ chăn nuôi heo và trại nuôi heo quy mô 20 nái, 200 heo thịt của hộ Ông Phạm Văn Cư – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX  Nông nghiệp Dịch vụ Thương Mại An Phát vẫn an toàn.
heo
Hình ảnh về áp dụng biện pháp cách ly và khử trùng bằng vôi bột của hộ ông Phạm Văn Cư

Dịch tả heo châu Phi tại thị xã Bình Long đến nay vẫn có chiều hướng lây lan và diễn biến phức tạp. Mặc dù các ngành chức năng và Trung tâm DVNN thị xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, song việc ngăn ngừa khống chế vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi một số nguyên nhân sau:
1. Do đặc điểm của vi rút gây bệnh có tới 24 typ khác nhau, gây nhiễm và tấn công trực tiếp vào đại thực bào (các tế bào hệ thống miễn dịch), vi rút có sức đề kháng cao tồn tại trong máu, cơ quan, dịch bài tiết của lợn.
2. Người chăn nuôi (nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) chưa áp dụng đúng, triệt để và đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như việc cách ly, vệ sinh, phun xịt chưa đảm bảo. Rất nhiều hộ nuôi chưa nhận thấy mức độ lan rộng và thiệt hại của dịch nên còn chủ quan. Chưa cách ly, kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm như thực phẩm, phương tiện vận chuyển, con người, thức ăn, nước uống, vật chủ trung gian, chưa làm vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, chuồng nuôi, xung quanh và bề mặt trước khi phun xịt; nồng độ, liều lượng thuốc phun xịt và vôi chưa đảm bảo theo quy chuẩn.
3. Do giá heo rẻ, tâm lý thua lỗ nên không đầu tư trong việc chăm sóc nuôi dưỡng như sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm probiotic để tăng sức đề kháng cho heo.

Tuy nhiên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại An Phát (thuộc phường Hưng Chiến) với quy mô 700 heo nái, 14.000 heo thịt /năm của 11 thành viên chăn nuôi rải rác ở các huyện Lộc Ninh, Chơn Thành, Hớn Quản và thị xã Bình Long đến nay vẫn an toàn nhờ làm tốt công tác chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, vệ sinh, phun xịt khử trùng và tăng cường sức đề kháng cho heo bằng các loại men vi sinh và chế phẩm sinh học.
Do hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị, để hạn chế, ngăn ngừa dịch lây lan rộng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Bình Long tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học đó là:
1. Cách ly
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo nên khoảng cách và hàng rào bảo vệ để không có con gì hay vật gì mang vi rút gây bệnh vào chuồng trại. Cách ly tất cả các nguồn có thể mang vi rút lây như  heo, sản phẩm heo bị bệnh, không có nguồn gốc, dụng cụ chăn nuôi, con người, thức ăn, phương tiện vận chuyển, các vật chủ trung gian mang mầm bệnh……
2. Vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt
Thường xuyên, định kỳ vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi và xung quanh, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ (có nghĩa là bất kỳ vật dụng gì đi ra hoặc vào trại đều phải được vệ sinh, làm sạch cẩn thận), thức ăn nước uống đảm bảo chất lượng, tăng sức đề kháng bằng việc sử dụng các A xít hữu cơ, men vi sinh, các enzim, vi ta min bổ sung vào thức ăn.
3. Khử trùng
Phải vệ sinh sạch sẽ tất cả các dụng cụ, phương tiện, chuồng trại .v..v. trước khi khử trùng, thuốc sát trùng phải pha đúng nồng độ và phun xịt đúng liều lượng (dùng vôi phải đảm bảo độ PH < 3,9 hoặc >11,5; thuốc sát trùng phải ướt đều bề mặt và lưu giữ tối thiểu 20-30 phút mới khô) thì vôi và thuốc sát trùng mới có tác dụng diệt khuẩn.
Ngoài việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học người chăn nuôi heo cũng cần thực hiện tốt  07 KHÔNG và 07 NÊN sau:
1. KHÔNG vận chuyển heo bệnh và sản phẩm heo nhiễm bệnh qua vùng khác.
2. KHÔNG cho heo ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín.
3. KHÔNG tự do ra vào trại.
4. KHÔNG nhập heo vào trại mà không nuôi cách ly.
5. KHÔNG mang thức ăn từ ngoài vào trại.
6. KHÔNG đi từ nơi bẩn tới nơi sạch trong trại để tránh lây nhiễm chéo.
7. KHÔNG giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết, không vứt heo chết ra môi trường.
1. NÊN vệ sinh sát trùng tiêu độc thường kỳ trong trại bằng các thuốc sát trùng.
2. NÊN lập hàng rào cơ học ngăn ngừa sự xâm nhập của người lạ, vật truyền bệnh.
3. NÊN vệ sinh sát trùng toàn bộ các phương tiện thiết bị ra, vào trong trại.
4. NÊN thay quần áo, giày dép, tắm rửa, sát trùng khi ra vào trại.
5. NÊN tăng cường sức đề kháng của heo bằng dinh dưỡng, chủng ngừa đầy đủ các     loại Vaccine cần thiết.
6. NÊN xử lý nước (diệt khuẩn) trước khi cho heo uống.
7. NÊN báo cáo thú y và chính quyền địa phương khi nghi ngờ heo có triệu chứng bệnh Dịch tả heo Châu phi (ASF).
Nguyễn Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây