Nữ cán bộ đoàn khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
Bình Long
2019-06-12T07:40:10+07:00
2019-06-12T07:40:10+07:00
https://binhlong.binhphuoc.gov.vn/vi/news/Kinh-te-dich-vu/nu-can-bo-doan-khoi-nghiep-thanh-cong-tu-mo-hinh-trong-dua-luoi-cong-nghe-cao-5862.html
https://binhlong.binhphuoc.gov.vn/uploads/binhlong/news/2019_06/dua.jpg
UBND thị xã Bình Long
https://binhlong.binhphuoc.gov.vn/uploads/binhlong/quochuy_1.png
Thứ tư - 12/06/2019 07:35
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động, công tác Đoàn – Hội, chị Đặng Thị Thao, Phó bí thư Đoàn xã Thanh Lương, thị xã Bình Long còn tích cực đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Với bản tính giám nghĩ, giám làm chị Đặng Thị Thao đã thực hiện thành công mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao có nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, có điều kiện tham gia tích cực các phong trào hoạt động Đoàn – Hội tại địa phương.
|
Vườn dưa nhà chị Thao đang chuẩn bị thu hoạch |
Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm chuyên ngành nông lâm kết hợp là tiền đề giúp bạn Thao thực hiện đam mê, nghiên cứu các giống cây trồng để phát triển kinh tế. Năm 2018, Thao đã bàn bạc với gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng làm nhà màng trồng dưa lưới để thực hiện đam mê của mình. Bước đầu xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, Thao đã xây dựng hệ thống 03 nhà màng với diện tích 400m2/nhà. Mỗi nhà màng được đầu tư bao gồm hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, giá thể, nhà lưới, do trồng trên giá thể nên việc xử lý bệnh cũng dễ dàng... Vụ đầu tiên, gia đình Thao đã thu được 3,5 tấn sản lượng, mang về lợi nhuận hơn 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Chị thao cho biết: Để dưa không bị sâu bệnh, phát triển tốt và cho quả ngọt, giòn, thơm ngon thì người trồng phải nắm vững các kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ ẩm trong nhà màng để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời, nhất là giai đoạn sắp thu hoạch. Đặc biệt, vườn dưa sau thu hoạch phải xử lý rắc vôi, xịt thuốc trong vòng 10 – 15 ngày mới đưa cây giống vào trồng để đảm bảo cây không bị sâu bệnh và đạt năng suất cao. "Yếu tố đầu tiên mình cần chọn nguồn giống tốt chuẩn, thứ hai ươm giống đúng công thức, thứ ba là xuống giống đúng kỹ thuật để cây không bị đứt rễ, không bị gãy cây, thứ nữa là tưới phân đủ đúng theo công thức liều lượng và phải đảm bảo nguồn nước tưới trong ngày". Chị Thao chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng dưa lưới của mình.
Nhận thấy mô hình này tạo ra hiệu ứng phát triển kinh tế cao, đồng thời, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch để cung cấp cho người tiêu dùng, gia đình Thao tiếp tục làm thêm 03 nhà màng với diện tích 1.200 m2. Hiện tại, ngoài 03 nhà màng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì gia đình Thao đã có thêm 03 nhà màng đã xuống cây giống với tổng diện tích hơn 2.500 m2. Chị Thao cho biết, giống dưa lưới nhà chị chọn để canh tác là Honey Sweet 999 và TL3, mỗi một vụ dưa, gia đình đầu tư khoảng 15 triệu đồng/nhà màng bao gồm giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện vườn dưa lưới của gia đình Thao đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch thứ 04. Các vườn dưa sẽ thu hoạch cách nhau khoảng 15 ngày để có nguồn thu liên tục cũng như chủ động được công lao động. Chị Thao chia sẻ, cái lợi lớn nhất của mô hình trồng dưa lưới là thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ mất khoảng 75 ngày. Như vậy, bình quân mỗi năm có thể trồng 04 vụ, đặc biệt với thị trường tiêu thụ và giá bán khá ổn định như hiện nay 30 ngàn đồng/kg thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng mô hình này cần vốn đầu tư ban đầu lớn và có đầu ra ổn định thì mới mang lại hiệu quả. "Cái khó trong trồng dưa lưới là mình cần nắm vững kỹ thuật để làm sao dưa vừa không bị bệnh, cho năng suất cao, vừa tạo lưới và tạo ngọt. Trong thời gian tới tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ các thủ tục cho quy trình Việt Gáp của vườn dưa nhà mình; đồng thời hỗ trợ đào tạo các lớp kỹ thuật công nghệ cao và hỗ trợ nguồn đầu ra cho sản phẩm ổn định". Chị Thao kiến nghị.
|
Chị Thao "khoe" thành quả của mình |
Anh Đoàn Thế Tài, Bí thư xã Đoàn Thanh Lương thị xã Bình Long, cho biết: Hiện nay trên địa bàn thị xã Bình Long có 16 Tổ hợp tác phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ và chủ yếu tập trung ở xã Thanh Lương, (với thu nhập bình quân từ 03 - 05 triệu đồng trừ chi phí) trong đó mô hình trồng dưa lưới của chị Thao là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp cho các bạn ĐVTN địa phương có thể tham quan, học tập để có hướng đầu tư khởi nghiệp cho bản thân.
" Tôi nhận thấy mô hình trồng dưa lưới của đồng chí Thao là mô hình đạt hiệu quả kinh tế rất cao, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, từ đó phát triển kinh tế gia đình. Đoàn xã cũng đã giới thiệu cho ĐVTN đến học tập mô hình và những đoàn viên có nhu cầu cần tập huấn kỹ thuật thì đồng chí Thao có thể hướng dẫn về mô hình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng. Qua mô hình này cũng khuyến khích các bạn ĐVTN có điều kiện thực hiện mô hình để phát triển kinh tế gia đình, nhưng không khuyến khích trồng dưa lưới một cách ồ ạt để cung vượt quá cầu thì chất lượng dưa lưới và giá thành sản phẩm đi xuống từ đó sẽ gây thiệt hại đến kinh tế gia đình và địa phương". Anh Tài cho biết thêm.
Với sức trẻ, sự nhiệt huyết, mạnh dạn và táo bạo, đã có nhiều ĐVTN khởi nghiệp thành công. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương mà mỗi thanh niên sẽ chọn cho mình một mô hình kinh tế phù hợp. Dù là mô hình trồng trọt hay chăn nuôi thì để đi đến thành công, ngoài sự nỗ lực, kiên trì,… ĐVTN cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ về mô hình muốn xây dựng để tránh tình trạng cung lớn hơn cầu dẫn đến không tìm được đầu ra cho sản phẩm./.
Văn Tâm