CẬU HỌC TRÒ NGHÈO THÍCH ĐỌC SÁCH

Thứ sáu - 15/11/2024 08:22
Câu nói quen thuộc rằng, không ai chọn nơi mình sinh ra, bố mẹ mình cũng không ai có quyền chọn. Cuộc sống và hình hài của mình là bố mẹ cho. Tương lai mỗi người thì tự mình rèn luyện, học tập mà tạo nên mỗi số phận riêng. Có những người sướng từ trong trứng sướng ra; Ngược lại nhiều em phải chịu thiệt thòi, nếu như không nói là bất hạnh từ khi mới lọt lòng. Điều quan trọng là những hoàn cảnh đó, bằng nghị lực, ý chí, rèn luyện và học tập thì mỗi người trưởng thành như thế nào.
Em Trương Nhật Hoàng thứ 4 từ phải qua

Em học sinh Trương Nhật Hoàng đang học ở lớp 6A2 trường THCS An Lộc B, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước là một nhân chứng về tinh thần vươn lên trong học tập. Thiệt thòi từ trong bụng mẹ, vì bố là đối tượng mất sức lao động, sức khỏe làm việc chừng mực, cùng với một số vấn đề không tốt trong nội bộ cơ quan nên bố em đã bị cắt lao động từ khi Hoàng lên 4 tuổi. Cùng thời gian đó, mẹ của em phần vì buồn hoàn cảnh gia đình, phần lại không giữ được nông nổi trước những lời tán tỉnh, dụ dỗ của người tình cũ. Chị đã bỏ con lại cho chồng lặng lẽ ra đi. Mặc kệ những thị phi chê cười. 
Có lẽ học được nghị lực phi thường từ người bố, mất sức lao động; Theo ngời dân địa phương thì bố em vốn là một giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề giáo nhưng không may bị sa cơ… Dù vậy, vẫn kiên trì làm ăn tự chăm nuôi con bằng đôi tay của mình. Nhật Hoàng không vì vậy mà thua kém bạn bè trong việc học tập, rèn luyện. Từ những năm em bước vào lớp 1 đầu đời là em đã phải sống tự lập. Hoàng được bố gửi ở nhà ông nội, gần 70 tổi nuôi ăn học tại một vùng quê nghèo mãi tận miền Trung. Bà nội không còn, đứa trẻ thơ ngây được cô ruột, chị gái của bố ở gần nhà ông nội đưa đón đi học ngày hai buổi. Bố em phải đi làm ở một trường tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi dịch Covid được khống chế, bố Hoàng mới từ bỏ việc làm lương cao về thị xã Bình Long, Bình Phước sinh sống nuôi con. Bù lại sự hy sinh của người bố kham khổ nhưng giàu tình yêu thương cho mình, Nhật Hoàng như lớn trong hơn nhận thức so với tuổi 11 của em. Những ngày bố đi làm thuê, một chiếc xe đạp “cà tàng” đến lớp, vẫn không quên ghé ngang chợ mua dăm quả trứng, nắm rau về tự nấu cơm để chờ bố về, đến tối hai bố con cùng ăn. Việc nhà như rửa bát, quét dọn, giặt giũ áo quần, nấu cơm… em làm thành thạo; Đến mấy cô, bác hàng xóm nhìn thấy cu cậu khéo…cũng ngỡ ngàng. Khi nghe ai khen Hoàng ngoan giỏi, em liền lễ phép, nói như…người lớn: “Dạ bố con dạy, lao động cho con trưởng thành, ý chí cho con thêm sức mạnh”. Bà Tư hàng xóm phía sau nhà, hay chọc ghẹo thằng nhóc như mắng yêu cu cậu: “Mày làm hết việc của bố mày, còn gì nữa cháu!”. Cái nhà bố con em đang ở cũng nhờ gia đình phụ huynh cũ của bố cho thuê lấy giá rẻ. Ngoài sự siêng năng, ham học thì Hoàng còn là đứa trẻ nhận thức được thân phận mình nên em ngoan, sống hiểu điều. Em rất chăm chỉ, chịu khó và thích sáng tạo đồ chơi. Vì không có tiền mua trò chơi, nên sau giờ học em đi xin, hoặc nhặt ống nhựa, hộp vỏ bút, thùng xốp…về tự mày mò sáng tạo đồ chơi. “Con muốn làm để chơi cùng mấy bạn, con làm trò chơi cho bạn; Em cho các bạn trò chơi tự chế, các bạn cho kẹo”, em thủ thỉ. Nhật Hoàng rất có năng khiếu vẽ, em dùng các hộp sơn cũ thợ hồ vứt đi, bút bi hư… tự pha chế các loại màu để vẽ. Em hay vẽ hoa mười giờ, hoa hướng dương và chim bồ câu; Ước mơ lớn lên làm công an, vì “làm công an để bắt kẻ cướp” như em nói. Nhật Hoàng có thói quen đọc sách, nên như thèm sách hơn chơi điện thoại. Em rất ít khi tham gia game trên mạng. Theo em cho biết, mỗi ngày em chỉ chơi 15 phút và cuối tuần thì bố cho chơi 30 phút, chia làm hai buổi: 15 phút sáng, 15 phút chiều.  Bù lại sự thiệt thòi đó, em đi học luôn được bạn bè chia sẻ, cô thầy yêu thương. Từ bé đến nay, em không phụ lòng người bố vất vả cũng như thầy cô quan tâm. Cụ thể là từ lớp 1 đến lớp 4, em luôn đạt danh hiệu học sinh vượt trội môn toán. Hai năm liên tiếp gần đây, lớp 4 và 5 em đã có đóng góp rất lớn trong các hoạt động phong trào; Như sáng tạo trẻ, thu gom kế hoạch nhỏ. Bằng sự đóng góp tích cực của em, hai năm cuối cấp I vừa rồi, em được Hiệu trưởng trường Tiểu học An Lộc A, thị xã Bình Long tặng Chứng nhận Kiện tướng kế hoạch nhỏ. Riêng năm học lớp 5 vừa qua, Nhật Hoàng đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc tất cả các môn học. Điểm thi tổng kết sáu môn của lớp 5 là năm điểm 10 và một điểm 9 môn tiếng Anh. Vì em không được đi học thêm tiếng Anh ở ngoài nên điểm thi em chỉ được 9 thôi, giọng em tủi tủi. Theo bố Nhật Hoàng, do ở nhà thuê nên em rất ít, thậm chí hy hữu mới được các chế độ hỗ trợ học sinh nghèo tại địa phương. “Nhưng không sao đâu, miễn là con mình ý thức được việc học, chịu khó và hoàn thành tốt công việc ở lớp để cô thầy vui, mình yên tâm rồi”.
Đầu năm học lớp 6 này, em may mắn được học lớp cô Trịnh Thị Lan chủ nhiệm, cô rất tâm lý, biết cách gần gũi học sinh. Một hôm, tranh thủ Nhật Hoàng đi lên thư viện mượn sách, cô chia sẻ với lớp: “Các em trong lớp nên hòa đồng với nhau, cùng nhau thi đua, phấn đấu trong học tập để bố mẹ ở nhà yên tâm. Lớp ta có bạn Hoàng là hoàn cảnh gia đình thiệt thòi hơn; Một mình bố làm thuê nuôi bạn học. Bạn vẫn học giỏi. Vì vậy các em nên biết chia sẻ, chơi và học cùn nhau công bằng để lớp được đoàn kết, vui vẻ.”. Dù mới lớp 6, tuổi đang rất thơ ngây, nhưng khi nghe cô chủ nhiệm nói lên những lời thấm thía tình nghĩa, cả lớp đều hiểu. Cũng như “thấu” được tinh thần vượt khó, chăm học của bạn Hoàng. Lớp đã bầu Nhật Hoàng làm lớp phó học tập. Ngoài ra, vừa muốn Nhật Hoàng làm gương cho lớp, vừa hiểu được sở thích hay đọc sách, cô cử Hoàng làm Cộng tác viên thư viện; Cả lớp đều giơ tay đồng ý.    
Đầu tháng 10 vừa rồi, Nhật Hoàng đã được chọn và thi đậu kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp trường. Từ nay đến hết tháng cuối 12 tới đây, Nhật Hoàng là một trong bảy em thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tỉnh Bình Phước năm học này. Cũng theo cô Trang và cô Hoa, hai giáo viên luyện thi học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn khối 6 trường THCS An Lộc B, Nhật Hoàng rất ham đọc sách, em có cách đọc nhanh, và nhớ rất giỏi. Nay thì tụi em biết thêm về hoàn cảnh Nhật Hoàng nên quan tâm, động viên hơn; “Nhật Hoàng học bài chăm chỉ, lại có hoàn cảnh thiệt thòi hơn nên ai cũng thương em. Chúng em sẽ cố gắng động viên, khyến khích và kèm cặp cho Hoàng có kết quả cao trong kỳ thi sắp tới” cô Hoa tâm sự./. 
                                                                                                                  Hồng Linh

Tác giả: Long Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 64 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây