BÃO LŨ QUA ĐI, TÌNH NGƯỜI THẮM LẠI

Thứ bảy - 28/09/2024 11:01
Vậy là đã hai tuần kể từ ngày cơn bão Yagi hãi hùng cập vào miền Bắc. Trận bão được ví như một cơn hung thần đã hơn 30 năm đất nước ta lại gánh chịu sự tàn phá nặng nề này. Sáng thứ bảy, ngày 07/9/2024 là một ngày không thể nào quên với hàng triệu người dân Hải Phòng, Quảng Ninh… Người dân kinh hoàng chống chọi với cơn bão “lạ”. Cơn bão có sức tàn phá nhanh nhất; Khi vào đất liền vẫn tăng cấp gió, quần phá lâu nhất, đến 12 giờ đồng hồ tại một khu vực; Cơn cuồng phong kèm mưa lâu đến khủng khiếp nhất trong lịch sử 70 năm nay; Đặc biệt, sau bão thì hoàn lưu của bão mưa dai dẳng, lan ra diện rộng; Gây ngập lụt, tàn phá, hủy diệt đời sống, hư hại hoa màu, vật nuôi chết chốc, tổn thất của cải vật chất kinh hoàng nhất. Cả vùng quê miền Bắc đều oằn mình chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Sự tàn phá, hủy diệt của bão Yagi đã để lại đau thương không chỉ cho nhân dân, bà con miền Bắc; Nó đã làm cho cả nước xót xa, lo lắng; Đến cả đồng bào người Việt ở nước ngoài và nhiều nước  trên thế giới cũng bang hoàng. Một lòng cầu nguyện là thiệt hại ít đi.
 
Trong lịc sử xưa nay, đồng bào ta chưa thua cuộc trước khó khăn nào. Dân tộc Việt Nam đã có sức mạnh bền bỉ, dẻo dai và kiên cường, dũng cảm đó bởi dòng dõi Lạc Hồng luôn giữ một truyền thống cao đẹp. Đó là truyền thống đoàn kết dân tộc. Một truyền thống tạo nên sức mạnh vô song. Truyền thống giá trị thiện tâm đó đã lưu giữ, đúc kết thành hàng trăm câu cửa miệng như: “Lá lành đùm lá rách, là rách ít đùm lá rách nhiều”; “Chia ngọt sẻ bùi”….
Chống bão ngang chống giặc
 Tinh thần đoàn kết, lòng “tương thân tương ái” trong khó khăn đó, đã thể hiện rất rõ, cụ thể bằng những việc làm thiết thực. Đầu tiên là toàn thể hệ thống chính trị ra tay nhanh chóng, có những chỉ đạo tức tốc, bám sát, cụ thể và kịp thời trong việc phòng chống bão. Ngày 5/9, theo dự báo bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024. Đêm ngày 6/9/2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Các thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Gao thông vận tải và Chủ tịch các tỉnh có nguy cơ bão ập vào đều được chỉ đạo trực tiếp nắm sát tình hình, theo dõi kịp thời diễn biến của bão Yagi để báo cáo Uỷ ban phòng chống bão Trung ương; Đồng thời chỉ đạo kịp thời các ban ngành chống bão. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ đội, Công an các địa phương có nhiệm vụ tuyên truyền, phụ giúp dân sơ tán, chống nhà cửa… Dù trước đó đã trực tiếp thị sát vùng bão đi qua ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng ngay  Chiều 09/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.
      Cơn bão ập vào nhanh, với sức gió giật có nơi lên dến cấp 17; sau đó là mưa kéo dài, diện mưa rộng, bao phủ khắp các tỉnh Tây Bắc, gây thiệt hại khó liệt kê, không thể nói bằng lời.

Cơn bão đi qua, tình người thức dậy
 
Khi các tỉnh ở miền Bắc đang chìm trong mưa lũ thì toàn thể nhân dân các tỉnh phí Nam, tây Nguyên, miền Trung (gọi chung miền trong) luôn theo dõi. Cùng nhau kêu gọi cứu trợ. Chỉ qua thông tin trên mạng xa hội, cùng tin tức báo chí mà bà con miền trong nghĩ ngay đến việc cần làm; Và không ai nói với ai, cùng nhau thi đua cứu trợ một cách hoàn toàn tự nguyện. Trong việc làm đó, như không còn biết ai phân chia giai cấp, không trên dưới giàu nghèo, không mặc cả ít nhiều, già trẻ gái trai….chỉ có một điểm chung; Tấm lòng hướng về miền Bắc. Chúng ta cảm động vô cùng, một anh tàn tật bán vé số, cố nhoài ưỡn người để gửi tờ 200k lên hòm quên góp; Một bà cụ, cố đưa 50k nhờ tình nguyện viên “tui mới bán ve chai được tờ này, nhờ cháu đưa ra cứu đồng bào”; Trưa 7.9, mạng xã hội lan truyền đoạn clip thể hiện nhiều xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển với tốc độ chậm để che chắn gió bão cho đoàn người đi xe qua cầu Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội. Hình ảnh gợi sự cảm phục về tình đoàn kết đến cả bạn bề thế giới. Song song với đó, nhân dân các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ cũng như miền Trung sẵn sàng tự nguyện quyện góp các nhu yếu phẩm mà biết rằng đồng bào miền Bắc đang cần để đảm bảo sự sống: hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn nhu yếu phẩm được nối đuôi nhau trên các chuyến xe “O đồng” nườm nượp chở ra các tỉnh do cơn bão Yagi gây ra.  “Trong cơn hoạn nan mới hiểu lòng nhau”.  Từng đoàn xe, nhóm người cờ đỏ sao vàng, mang áo đỏ màu cờ Tổ quốc, những băng rôn đỏ tươi theo đoàn xe cực Nam của Tổ quốc: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liệu, Long An, Bến Tre,… đến Tây Ninh, Đắk Nông, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước…..ngày đêm nối đuôi nhau vượt qua mưa gió, không quản đường xa đi ra tiếp tế cho “Miền Bắc thân yêu”. Chúng ta không ai kìm được sự xúc động và tự hào về tình đòan kết, tinh thần keo sơn của đồng bào Việt Nam ở hai miền đất nước khi xem những khẩu hiệu trên xe; Các câu bình luận trên trang mạng: “Tự tin lên miền Bắc ơi”; “Miền Bắc cố lên”; “Khi miền Bắc gọi, anh em Tây Nguyên trả lời”; “Miền Bắc đợi, Bến Tre tới liền”; “Cần thơ tiến ra miền bắc”: “Chỉ có ở Việt Nam ta mới có”; ..v…v… Những câu khẩu hiệu không dừng lại là lời nói suông nữa. Tất cả toàn thể nhân dân ở cả khắp mọi vùng, đồng bào cùng máu đỏ da vàng đều hướng một lòng cứu trợ miền Bắc, giúp bà con vượt qua nghịch cảnh, sớm ổn dịnh đời sống. Ngoài ra, sự “chia ngọt sẻ bùi” còn thể hiện ở trên các chặng đường. Khi nhận thấy, cần “góp chút gì đó, nhỏ thôi” chia sẻ với sự mất mát của đồng bào. Nhiều quán cơm đã tự nguyện nấu cơm, khách sạn cho nghỉ….hoàn toàn free (miễn phí) đối với các đoàn cứu trợ từ trong miền Nam, Tây nguyên đi qua. Ngoài các quán cơm nguời dân tự nguyện “mời” nhau, đơn vị cảnh sát giao thông ở các tỉnh miền Trung làm việc hỗ trợ cho xe cứu trợ đi nhanh, thuận tiện hơn. Ở Đức Phổ, Quảng Ngãi thì nhiều xe chở hàng cứu trợ “bị” công an giao thông dừng xe, chưa hết bàng hoàng thì chuyển sang trạng thái….xúc động, vì các anh dừng xe “mời các tài xế ăn cơm, uống nước, nghỉ ngơi lấy sức chạy tiếp cho đỡ mệt”.
 
Công cuộc tái thiết, vực dậy đời sống, sản xuất tinh thần trong “xây” có “chống”, ngay khi bão vừa vào, sáng 8/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đến hôm nay, công việc khắc phục, tái thiết hậu qả do bão Yagi gây ra còn nhiều. Mất mát lớn nên khó, thậm chí không gì bù đắp lại nổi với những gia đình có người thân bị nước lũ cuốn thiệt thân, mất tích. Biết rằng, tiền cứu trợ nhiều mấy cũng chỉ vực dậy cuộc sống, làm lại cuộc đời chứ không xoa dịu hết nỗi đau vô kể được. Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng” mà. Đồng bào bị thiệt hại mình hãy đứng lên! Đảng và Chính phủ quan tâm, nhân dân đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà. Cuộc sống sẽ khởi màu trở lại. Ba miền Bắc, Trung, Nam cùng hãy tin lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”./.
 
                                                                                                                Quyết Lam

Tác giả: Long Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây