Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với TS. Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KHCNVN.
Vệ tinh VNREDSat-1 được các chuyên gia đưa vào khoang chở hàng của tên lửa đẩy VEGA ngày 13/4/2013. |
Phóng viên: Là người gắn bó với dự án từ những ngày đầu tiên, xin ông cho biết cụ thể kế hoạch phóng và tiếp nhận vệ tinh VNREDSat-1 ngày 4/5 sắp tới?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp. Công ty Arianespace cũng đã thực hiện phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2 của Việt Nam. Tên lửa đẩy VEGA được sử dụng trong lần phóng này là một chủng loại tên lửa mới, được phát triển bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông mà chúng ta đã đưa lên quỹ đạo trước đây.
Cụ thể, các vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2 đang làm việc ở độ cao khoảng 35.800 km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.
Vệ tinh VNREDSat-1 dự kiến sẽ được phóng vào lúc 11h06 đêm ngày 3/5/2013 (theo giờ Kourou) tức 9h06 ngày 4/5/2013 (theo giờ Hà Nội). Sau khi rời mặt đất khoảng 2 giờ, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc. Thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 là 14h30 ngày 4/5. Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì 2 ngày sau chúng ta có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1; những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể có sau đó 1 ngày nữa. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.
Để chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận và vận hành vệ tinh VNREDSat-1, tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai 03 cơ sở mặt đất để điều hành, tiếp nhận và xử lý tín hiệu ảnh vệ tinh gồm: Trung tâm điều hành (đặt tại khuôn viên Viện Hàn lâm KHCNVN); Trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại, cả 03 cơ sở mặt đất này đã sẵn sàng để tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh ngay sau khi phóng thành công. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bổ trợ như hệ thống cung cấp điện, mạng thông tin liên lạc… cũng đã được Chính phủ đầu tư xây dựng đồng bộ.
Đến giờ phút này, tôi có thể khẳng định mọi công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đã được hoàn tất và sẵn sàng để đưa vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam lên quỹ đạo làm việc.
Phóng viên: Đây là lĩnh vực còn rất mới mẻ với Việt Nam. Để làm chủ và vận hành VNREDSat-1 hiệu quả, an toàn, Viện Hàn lâm KHCNVN đã đầu tư và chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: Quả thật, đây là công việc vừa khó, vừa mới, đòi hỏi đội ngũ điều hành, khai thác phải được đào tạo với trình độ và trách nhiệm cao. Vì vậy, Viện Hàn lâm KHCNVN đã có những bước chuẩn bị chu đáo. Trong khuôn khổ của dự án, 15 kỹ sư đã được cử sang học tập tại Toulouse, CH Pháp, để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh và bước đầu tiếp cận với các công đoạn thiết kế, chế tạo vệ tinh. Họ được thực tập 1-1,5 năm tùy vị trí công tác và tất cả đã hoàn thành xuất sắc đợt đào tạo này. Bên cạnh đó, 5 kỹ sư vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đã tham gia một khóa đào tạo nâng cao ngắn hạn tại Pháp. Về Việt Nam, nhóm kỹ sư này tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn và đến nay hoàn toàn có khả năng đảm nhận việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh sau khi phóng vào quỹ đạo.
Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1 (có gắn quốc kỳ Việt Nam) tại sân bay vũ trụ Kourou sáng 30/4/2013. |
Phóng viên: Như ông đã nói ở trên, Dự án vệ tinh viễn thám đầu tiên của nước ta có sự tham gia quản lý của 2 cơ quan là Viện Hàn lâm KHCNVN và Trung tâm Viễn thám Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện Dự án?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: Hệ thống viễn thám VNREDSat-1 bao gồm các thành phần như sau: trong không gian là vệ tinh quan sát Trái Đất VNREDSat-1; các cơ sở mặt đất gồm: Trung tâm điều hành, Trạm thu phát tín hiệu điều khiển (băng tần S), Trạm thu ảnh viễn thám (băng tần X) và Trung tâm xử lý và khai thác ảnh viễn thám. Trong đó, Trạm thu ảnh, Trung tâm xử lý và khai thác ảnh viễn thám do Trung tâm Viễn thám Quốc gia quản lý.
Trạm thu và sử dụng công nghệ thu ảnh của CASSIDIAN (Pháp) đang thu ảnh SPOT và ENVISAT. Công nghệ này cũng được sử dụng để thu ảnh VNREDSAT-1. Đó là điều thuận lợi cơ bản đầu tiên về công nghệ, vì có thể nâng cấp Trạm thu để thu ảnh VNREDSAT-1, tiết kiệm một số kinh phí đáng kể để xây Trạm thu mới. Thứ hai, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Viễn thám Quốc gia đã có kinh nghiệm vận hành thu ảnh 5 năm và đã làm chủ được công nghệ thu ảnh ở Trạm thu ảnh viễn thám. Do vậy, khi được đào tạo để nâng cấp thu ảnh VNREDSAT1, các cán bộ này đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới. Một thuận lợi khác trong quá trình khai thác sử dụng ảnh VNREDSAT-1 là kho ảnh VNREDSAT-1 sẽ được giới thiệu và cung cấp đến toàn bộ khách hàng truyền thống của Trung tâm Viễn thám Quốc gia một cách nhanh chóng cùng với các ảnh SPOT hiện đang được thu tại Trạm thu.
Khó khăn trong việc vận hành hệ thống là làm sao phối hợp cho nhịp nhàng. Do thời gian phục vụ trên quỹ đạo của vệ tinh viễn thám thường ngắn, chỉ khoảng 5 năm, nên cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với hoạt động tại Trạm điều khiển vệ tinh và Trạm thu ảnh viễn thám. Ngoài ra, cần sớm phê duyệt cơ chế chính sách cung cấp ảnh viễn thám VNREDSAT-1. Một khó khăn khác là cần sớm chuẩn bị kinh phí để vận hành Trạm thu và Trung tâm điều khiển vệ tinh (bao gồm cả kinh phí bảo trì, thuê đường truyền dữ liệu tốc độ cao và xăng dầu cho vận hành máy phát điện trong trường hợp mất điện).
Tóm lại, chủ trương hòa nhập hoạt động của Trạm thu ảnh viễn thám vào hệ thống viễn thám đầu tiên của Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư mới, khai thác một cách hiệu quả hạ tầng kỹ thuật sẵn có là Trạm thu ảnh viễn thám. Việc này sẽ đóng vai trò quan trọng thu ảnh VNREDSAT-1 của Việt Nam. Việc phối hợp giữa các cơ quan khác nhau ở Việt Nam để khai thác tốt hệ thống viễn thám này là việc cần thiết và phải làm. Tôi tin tưởng rằng đây là một mô hình hợp tác tốt và cần phát huy trong tương lai để đầu tư phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn