Người đặt nền móng cho khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam

Thứ năm - 10/10/2013 14:37 1.489 0

Người đặt nền móng cho khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam

(Chinhphu.vn) – GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu có may mắn được làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam vào năm 1980.

Cuối năm 1978, Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Việt Nam quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam trên tàu vũ trụ của Liên Xô, với sự tham gia của phi công Việt Nam.

Sau đó Chính phủ ta thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Trưởng ban. Tham gia Ban Chỉ đạo có đại diện các cơ quan Nhà nước có liên quan. Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được Đại tướng chỉ định là Phó Trưởng Ban phụ trách tuyển chọn và đào tạo phi công vũ trụ. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu được Đại tướng chỉ định làm Phó Trưởng Ban phụ trách chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vào vũ trụ này.

“Đại tướng gọi tôi đến làm việc tại phòng làm việc của Đại tướng ở nhà riêng, 30 phố Hoàng Diệu, và giao cho tôi nhiệm vụ lựa chọn đề tài nghiên cứu cần được tiến hành trên tàu vũ trụ và soạn thảo chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay. Đại tướng căn dặn tôi: Đây là thời cơ tốt nhất để Việt Nam bắt đầu tiến hành một chương trình quốc gia nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô”, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu kể lại.

Thấy ông Hiệu bối rối, lo lắng, Đại tướng đã động viên: “Hãy cố lên” và căn dặn nếu cần Chính phủ tạo cho các nhà khoa học những điều kiện gì, cứ viết thư gửi thẳng đến Đại tướng, Đại tướng sẽ trực tiếp giải quyết.

 

GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (bên trái Đại tướng) trong một buổi làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VGP

Được Đại tướng tin tưởng, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã gấp rút thực hiện chỉ thị quan trọng đó. Sau một thời gian thảo luận, giới khoa học đã soạn thảo xong chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng.

Về vật lý và công nghệ vũ trụ, các nhà khoa học sẽ tiến hành hai thí nghiệm về nuôi đơn tinh thể bán dẫn trong điều kiện không trọng lượng (do Viện Vật lý thực hiện). Hai thí nghiệm này chỉ có thể được chuẩn bị tại Liên Xô hoặc Cộng hòa Dân chủ Đức. Vì vậy, Viện sĩ Hiệu đã đề nghị Chính phủ cử hai nhóm các nhà vật lý đi chuẩn bị thí nghiệm ở nước ngoài, một nhóm đi Liên Xô, một nhóm đi Cộng hòa Dân chủ Đức.

Về sinh học vũ trụ, chúng ta tiến hành hai thí nghiệm là nuôi bèo hoa dâu và trồng khoai lang trên vũ trụ. Các thí nghiệm này do Viện Sinh vật thực hiện.

Về y học vũ trụ, các bác sĩ, nhà khoa học tại Học viện Quân y đã nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của cây đinh lăng đối với việc tăng cường thể lực của phi công vũ trụ.

Về viễn thám, phi công vũ trụ Việt Nam sẽ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 của Cộng hòa Dân chủ Đức mỗi khi tàu vũ trụ bay qua lãnh thổ Việt Nam. Các chuyên gia Đức trực tiếp sang làm việc ở Việt Nam và dùng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 đặt trên máy bay quân sự của Việt Nam để chụp ảnh các vùng lãnh thổ mà phi công vũ trụ Việt Nam chụp từ vũ trụ để so sánh.

Viện Khoa học Việt Nam thì tổ chức các đoàn khoa học về Trái đất và thực vật học đi khảo sát thực địa tại các vùng được chụp ảnh để đối chiếu thông tin trên hai loại ảnh và thực tế tại hiện trường, trên cơ sở đó xây dựng quy trình giải đoán ảnh.

Quy trình được thiết lập và sau này đã được giới khoa học Việt Nam sử dụng thường xuyên để giải đoán ảnh viễn thám do Liên Xô cung cấp. Nội dung này là lớn nhất, khó khăn nhất và đòi hỏi sự tham gia của Không quân cũng như của Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự.

 

Tháng 7/1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung tâm huấn luyện Gargarin, Liên Xô. Trong ảnh: từ trái sang phải: Anh hùng Lao động Phạm Tuân, phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô Vũ Khoan. Ảnh: VGP

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xét duyệt nội dung chương trình và giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong Chính phủ giải quyết tất cả các yêu cầu của đội ngũ các nhà khoa học thực hiện dự án.

Và kết quả là, phi công vũ trụ Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến hành các thí nghiệm của Việt Nam trên tàu vũ trụ. Chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam năm 1980 đã thành công tốt đẹp và là sự khởi đầu tuyệt vời của sự nghiệp nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở nước ta.

Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu khẳng định rằng, bằng sự quan tâm sát sao, Đại tướng là người đặt nền móng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây