UBND thị xã Bình Long

http://binhlong.binhphuoc.gov.vn


Hướng đến mỗi người dân Bình Phước có một hồ sơ sức khỏe điện tử

(CTTĐTBP) - Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (SKĐT) cho toàn dân, hướng đến đảm bảo mỗi người dân tỉnh Bình Phước có một hồ sơ SKĐT, hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ SKĐT tỉnh Bình Phước, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế Quốc gia.

Đó là mục tiêu chung mà UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 29/8/2022 về triển khai hồ sơ SKĐT giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Đến hết năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai hồ sơ SKĐT, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ SKĐT. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm Dữ liệu y tế Quốc gia.

Năm 2025, trên 95% người dân tỉnh Bình Phước có hồ sơ SKĐT, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn tỉnh và Quốc gia.

UBND tỉnh đưa ra 2 lộ trình thực hiện, trong đó giai đoạn 1 từ tháng 9/2022 đến tháng 02/2023 và giai đoạn 2 từ tháng 3/2023 đến năm 2025.

Trong giai đoạn 1, cài đặt phần mềm hồ sơ SKĐT cho 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn sử dụng phần mềm hồ sơ SKĐT cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Cập nhật thông tin phần hành chính từ nguồn dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; cập nhật các dữ liệu cá nhân sẵn có đang được quản lý tại các cơ sở y tế. Nhập các thông tin y tế vào hồ sơ SKĐT khi người dân đến khám bệnh tại các trạm y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; khai thác thông tin sức khỏe trên phần mềm hồ sơ SKĐT.

Việc triển khai hồ sơ SKĐT nhằm giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, từ đó chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Cung cấp cho thầy thuốc đầy đủ các thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ; kết hợp với thăm khám, thầy thuốc có đánh giá toàn diện về sức khỏe của người bệnh, giúp phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Đồng thời, đảm bảo liên thông dữ liệu về sức khỏe giữa người dân với các cơ sở y tế thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời. Qua đó, tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Tác giả bài viết: Trung tâm CNTT&TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây