Sau 2 tuần, chuyến bay MH370 vẫn bặt vô âm tín

Thứ hai - 24/03/2014 09:02 1.260 0

Sau 2 tuần, chuyến bay MH370 vẫn bặt vô âm tín

(Chinhphu.vn) - Chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia từ ngày 8/3 đến nay đã tròn 14 ngày, nhưng tung tích của nó vẫn bặt vô âm tín.

Ngày định mệnh

Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu  MH370 của Malaysia Airlines xuất phát từ Kuala Lumpur lúc 0h41 (giờ địa phương), dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6h30 sáng cùng ngày. 

Nhưng chỉ sau gần 2 giờ đồng hồ xuất phát, vào lúc 2giờ 40 phút (giờ Kuala Lumpur), chiếc máy bay này “biến mất trên màn hình radar” mà không hề phát đi bất cứ tín hiệu cấp cứu, các cảnh báo về thời tiết khắc nghiệt hay mọi dấu hiệu rắc rối nào.

Theo Malaysia Airlines, chuyến bay MH370 chở tất cả 239 người (trong đó có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn).

Kể từ đó, chuyến bay MH370 được cho là bị mất tích và cuộc tìm kiếm quy mô lớn với sự tham gia của lực lượng cứu hộ cứu nạn, các nước trong khu vực bắt đầu…

Vệt dầu loang- nghi vấn ban đầu liên quan đến chuyến bay MH370. Ảnh: TTXVN

Dấu vết nghi  ngờ đầu tiên

Ngày 8/3, tại Việt Nam, sau khi nắm được thông tin, Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với cơ quan cứu nạn Malaysia triển khai phương án tìm kiếm cứu hộ ở vùng biển được nghi ngờ chiếc máy bay bị mất tích.

Những tìm kiếm và thăm dò ban đầu của Hải quân Vùng 5 cho biết máy bay có thể bị mất tích tại vùng biển cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Việt Nam) khoảng 153 hải lý (300 km) thuộc không phận, hải phận của Malaysia.

Lúc 15 giờ ngày 8/3, đội tìm kiếm của Việt Nam (trên máy bay) đã phát hiện 2 vệt màu sẫm, nghi ngờ là vệt dầu loang (có vệt dài tới 15 - 20 km) ở gần nơi máy bay được cho mất tích. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của phía Malaysia (ngày 11/3) khẳng định đây chỉ là loại dầu được sử dụng trong các tàu chở hàng.

Sau đó, dù cũng đã có thêm vài dấu vết nghi ngờ khác… nhưng rồi các cuộc xác minh đã cho thấy chúng không có mối liên hệ nào với chuyến bay MH370…

Tư lệnh quân đội Malaysia ngay trong ngày 9/3 cho biết chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mở rộng từ Biển Đông tới eo biển Malacca. Các nước Việt  Nam,  Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Mỹ đã triển khai người và phương tiện (gồm 34 máy bay, 44 tàu cứu hộ, tàu hải quân) tham gia tìm kiếm.

Vành đai tìm kiếm mới từ 15/3

Chuyển hướng và mở rộng khu vực tìm kiếm

Ngày 15/3, Malaysia tuyên bố dừng chiến dịch tìm kiếm trên Biển Đông.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Malaysia Najib cho biết Cục Hàng không dân dụng Mỹ (FAA), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không của Anh (AAIB) và nhà chức trách Malaysia đã làm việc độc lập về cùng 1 dữ liệu radar thu được từ nhà cung cấp dịch vụ radar và đều kết luận rằng “liên lạc cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh là vào lúc 8 giờ 11 phút ngày 8/3”.

Thủ tướng Malaysia nói rằng hệ thống liên lạc và hệ thống nhận phát tín hiệu của máy bay MH370 đã bị tắt khi máy bay đến bờ phía Đông của bán đảo Malaysia. Rồi máy bay đã bay nhiều giờ như là "tuân thủ theo một hành động có chủ ý" sau khi biến mất khỏi màn hình radar theo dõi.  Liên lạc cuối cùng của máy bay với vệ tinh có khả năng ở trong 1 hoặc 2 vành đai: Vành đai Bắc trải dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkenistan tới Bắc Thái Lan; vành đai Nam trải dài từ Indonesia tới phía Nam Ấn Độ Dương.

Nhiệm vụ  tìm kiếm bước vào giai đoạn mới tại 2 vành đai Bắc và Nam, tập trung vào 4 nhiệm vụ: Thu thập các thông tin từ vệ tinh theo dõi; phân tích các dữ liệu radar; tăng cường các phương tiện tìm kiếm trên không, trên biển và trên đất liền; tăng cường các chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia chuyên ngành. 

Đến 10 giờ sáng ngày 20/3, Thủ tướng Australia Tony Abbot gọi điện cho Thủ tướng Malaysia cho biết đã phát hiện 2 vật có thể liên quan đến chiếc máy bay mất tích  ở Nam Ấn Độ Dương, cách TP Perth của Australia khoảng 2.500km về phía Tây. Theo thông báo, 2 vật thể lạ đã được nhận dạng trên ảnh vệ tinh. Australia đã phái 1 máy bay Orion đã tới khu vực nói trên để xác định các vật thể đó. Công việc có thể mất tới 2-3 ngày.

Tuy nhiên, ông Abbott cũng nói rằng việc tìm được các vật thể là rất khó khăn vì các dòng chảy mạnh ở nam Ấn Độ Dương và rằng chúng có thể không liên quan tới máy bay.

Trong ngày 22/3, Australia đã tiếp tục cử máy bay và tàu chiến tìm kiếm vật thể mà vệ tinh phát hiện ở vùng biển cách Perth 2.500km. Tổng cộng, sẽ có 5 máy bay dẫn đầu là chiếc P3 Orion của Australia kết hợp cùng một chiếc P8 Poseidon của Hải quân Mỹ.

Vị trí vật thể mà vệ tinh phát hiện ở phía Nam Ấn Độ Dương, cách TP Perth của Australia 2.500km. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin mới nhất, Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 23/3 cho biết, một chiếc máy bay dân sự đã phát hiện rất nhiều mảnh vỡ nhỏ ở khu vực tìm kiếm vật thể mà vệ tinh nước này ghi được trước đó, nghi là của máy bay bị mất tích của Malaysia. Tuy nhiên, ông Abbott cũng nói rằng còn quá sớm để xác định những vật thể đó là gì.

Đây là lần đầu tiên những mảnh vỡ được nhìn thấy bằng những thiết bị thông thường kể từ khi xuất hiện các hình ảnh vệ tinh, dẫn đến cuộc tìm kiếm quy mô lớn của máy bay quân sự Australia, Mỹ và New Zealand.

Các cuộc điều tra

Hai tuần qua, ngoài việc tìm kiếm dấu vết của chuyến bay MH370, các cuộc điều tra cũng đã được tiến hành. Nguyên nhân máy bay mất tích cũng được nêu khá nhiều…

Ngày 9/3, nghi vấn về khả năng máy bay bị khủng bố dấy lên khi Tổng Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman xác nhận có 2 hành khách trên chuyến bay sử dụng hộ chiếu đánh cắp dưới tên của một người Italy và một người Áo (cả 2 người này trước đó đã báo việc mất hộ chiếu).

Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, ngày 11/3, Cảnh sát Malaysia và Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tiết lộ danh tính 2 người đàn ông Iran sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp và họ dường như không có liên quan đến các nhóm khủng bố.

Ngày 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak  thông báo chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã bị chuyển hướng "một cách có chủ ý" và những dữ liệu điều tra thu thập được cho thấy máy bay đã quay về hướng eo biển Malacca.

Trước đó, việc điều tra của Malaysia về chiếc máy bay mất tích đã tập trung nhiều hơn vào khả năng tội phạm vì chứng cứ cho thấy máy bay đã cố tình bay ngoài lộ trình hàng trăm dặm.

Các phi công lái chiếc máy bay này cũng là đối tượng bị điều tra.

Hai phi công trên chuyến bay MH370 (cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, bên trái và cơ phó Fariq Abdul Hamid, bên phải) Ảnh: VnExpress

Ngày 15/3, cảnh sát Malaysia đã khám xét nhà riêng của cơ trưởng chuyến bay, phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, để tìm kiếm các tài liệu có thể giúp ích cho quá trình điều tra. 

Trước đó, một quan chức quân sự cấp cao cho cho biết giới chức Malaysia tin rằng máy bay mất tích có thể đã bị một phi công dày dạn kinh nghiệm và nắm rõ các vị trí của radar và cố tình chuyển hướng để máy bay bay về phía Ấn Độ Dương.

Lãnh đạo cấp cao của Malaysia Airlines ngày 17/3 cho biết những lời nói cuối cùng ("Mọi chuyện tốt đẹp, chúc ngủ ngon”) từ buồng lái chiếc máy bay với các nhân viên kiểm soát không lưu dưới mặt đất được cho là của cơ phó.
 
Các nhà điều tra Malaysia đang rà soát hồ sơ lý lịch của các phi công, thành viên phi hành đoàn và nhân viên mặt đất liên quan tới chiếc máy bay  mất tích để thu thập manh mối lý giải nghi vấn có ai đó đã điều khiển máy bay bay ngoài đường bay dự kiến. Trọng tâm điều tra là bất kỳ người nào có thể có các kiến thức về máy bay.

Theo nhà chức trách Malaysia, đến nay, đã có tất cả 26 nước hỗ trợ công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Trong khi các cuộc điều tra được xúc tiến thì việc tìm kiếm chiếc máy bay vẫn tiếp tục…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây