COP 21 THỎA THUẬN LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Thứ tư - 23/12/2015 15:09 1.595 0
Bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris (Pháp) lúc 17 giờ 30 giờ Paris, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 12/12/2015.

Phiên họp Thượng đỉnh cuối cùng được tiến hành tận cuối ngày, thứ Bảy 12/12/2015 để thể hiện sự thống nhất, thông qua và công bố Bản Thỏa thuận sửa đổi cuối cùng.

Đây là một thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bản Thỏa thuận cũng quy định rằng, để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với Biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm.

Sau khi được thông qua tại Paris, Bản Thoả thuận này sẽ được gửi đến Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ, được để ngỏ một năm và sẽ được ký kết từ ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day). Bản Thoả thuận ở Paris với các nội dung quan trọng liên quan đến sinh mệnh của loài người sẽ được thực hiện sau khi 55 nước chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc cam kết tực hiện.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Năm 2015 lượng mưa của Việt Nam giảm mạnh, các hồ, đập thủy điện không có đủ nước tích trữ cho việc thực hiện phát điện và cung cấp nước tưới cho ngành nông nghiệp. Bình Phước cũng là tỉnh nông nghiệp, lượng mưa năm nay đã giảm rõ rệt ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nông dân phải chi tiêu nhiều hơn cho công tác chăm tưới. Dự báo Năm 2016 hiện tượng El Nino tiếp tục kéo dài và hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, các loại cây cần nhiều nước như tiêu, cà phê, điều, nhãn, cam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chi phí cho sản xuất tăng lên là gánh nặng của nhiều nông dân.  Ngành nông nghiệp đối diện với nguy cơ sụt giảm mạnh về sản lượng, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Biến đổi khí hậu mang lại hậu quả nặng nề, việc khó khăn nhất hiện nay là Chính phủ phải đàm phán với các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn giảm khí thải nhà kính, sử dụng năng lượng xanh.

HOÀI THI

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây