KÝ ỨC KHUYẾN NÔNG “20 NĂM NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ”

Thứ sáu - 01/06/2018 10:13 787 0
Vui mừng, phấn khởi, với không khí rợp cờ hoa đón chào ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4). Song đối với tôi tháng 4 lại càng có ý nghĩa đặc biệt, với bao kỷ niệm vui buồn khó quên trong suốt 20 năm qua. Một thời để nhớ và đáng nhớ như cuốn băng quay chậm cứ như vậy ùa về trong những ngày tháng 4 lịch sử này…..
20 năm với những tai nạn nghề nghiệp, những tình huống khó đỡ.
Tháng 4 năm 1996 ra trường, tôi được nhận vào làm việc ở Phòng Nông nghiệp – PTNT của một huyện miền núi vùng Tây Bắc. Một bước ngoặt lớn trong đời, tôi vui sướng biết bao khi đã có công việc, có thu nhập, không phải ăn bám bố mẹ như hơn 20 năm qua nữa. Chính vì vậy tôi đem hết tuổi trẻ, sức lực, nhiệt huyết và kiến thức học được ở trường Đại học để góp phần cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện. Thời gian này ở các huyện thị chưa có trạm Khuyến nông, vì vậy tôi đảm nhận toàn bộ mọi công việc liên quan tới vật nuôi như lập kế hoạch, quản lý nhà nước, tập huấn chuyển giao KHKT (Khoa học kỹ thuật), thú y.v.v... Tôi đã “dập khuôn, sao y bản chính” tất cả kiến thức và những gì học được vào công việc nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tuổi trẻ, sức lực lúc này thường tỷ lệ nghịch với kinh nghiệm thực tế, vì vậy có rất nhiều tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra, song nhớ nhất trong những ngày đầu làm việc mà cho đến nay tôi không thể nào quên đó là đi tập huấn, chuyển giao KHKT cho lớp phụ nữ người Dân tộc thiểu số làm kinh tế từ vốn vay của dự án “Xóa đói giảm nghèo” của huyện. Trước khi đi tập huấn tôi đã chuẩn bị bài giảng, tài liệu… rất chu đáo, kỹ lưỡng, hạn chế các từ chuyên môn. Trong khi giảng tôi đã nói rất chậm rãi, có giải thích, viết lên bảng những nội dung cần thiết, quan trọng, phát vở viết, bút cho học viên đầy đủ (ngày đó không có máy tính, máy chiếu). Tôi say sưa đem hết những gì mình có để truyền đạt cho học viên. Nhìn xuống dưới thấy các chị em ngồi im phăng phắc, thỉnh thoảng gật đầu và chăm chú theo dõi, các chị em không hỏi cũng không ghi “Tôi như một giảng viên chính trị vậy”. Đến cuối buổi, tôi đúc kết, tóm tắt lại bài học với các nội dung ngắn gọn, trọng tâm và hỏi học viên có hiểu không thì nhận được hầu hết là cái lắc đầu và câu trả lời là: “pú hụ, chi pâu” (từ chỉ “không biết” của người Thái và người H’Mông). Tôi bị “đứng hình” một lát vì đã nỗ lực hết mình mà kết quả thì ngược lại. Trấn tĩnh lại tâm lý, tôi quay qua hỏi cô Chủ tịch Hội Phụ nữ của huyện thì được cô cho biết lớp học có 80% phụ nữ không biết chữ, gần 60% không biết nói tiếng phổ thông (tiếng kinh). Cuối cùng tôi phải tóm tắt lại bài học và nhờ cô Chủ tịch Hội phụ nữ huyện phiên dịch lại.
Hanh
Niềm vui khi đi tham quan học tập kinh nghiệm trồng hoa Lan tại Tp. HCM
Khi chuyển vào Miền Nam công tác (cũng vào dịp tháng 4), tôi có tham gia dự án “Khuyến nông có sự tham gia”. Qua quá trình học tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm, được nâng cao kỹ năng giảng dạy trong công tác khuyến nông, đặc biệt là “Phương pháp giảng dạy cho người lớn tuổi”, cách giải quyết các tình huống khó hay gặp phải nhưng lại một tai nạn khác xảy ra. Một lần tôi được mời tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho “Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cho người khiếm thị” của tỉnh. Lúc này tôi đã được trang bị máy tính, máy chiếu nên bài giảng rất sinh động, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, các hình ảnh minh họa sắc nét, bài giảng có lồng ghép với các trò chơi, đoạn video thực tế … nhưng rồi học viên vẫn “im lặng,  chăm chú”, không một câu hỏi hay thắc mắc điều gì. Hết nửa bài giảng tôi mới chột dạ và nhận ra rằng người khiếm thị thì có nhìn thấy đâu, tuy nhiên một điều an ủi là họ vẫn nghe, hiểu được những gì tôi nói và những người thân của họ ngồi bên cạnh vẫn tiếp thu được bài học.
Trong các bài chuyển giao KHKT về chăn nuôi, tôi luôn nhấn mạnh những nội dung quan trọng đó là: Chọn giống, làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh. Song ở một số lớp tôi nhận được câu trả lời rằng: Gà thì tối ngủ ở trên cây, trâu, bò, heo thả rông không có chuồng trại vậy phải làm sao đây ????. Hoặc: Cô chỉ cho chúng tôi trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả hơn, cô lo đầu ra sản phẩm cho chúng tôi được không, khuyến nông cho chúng tôi vay vốn đi…v.v...
20 năm làm công tác khuyến nông, tôi đã học được rất nhiều, rất vui và tự hào về công việc mà mình đã gắn bó.
Trải qua 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã học được rất nhiều. Kiến thức, kỹ năng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là những kinh nghiệm, giá trị của cuộc sống từ bạn bè, đồng nghiệp, từ chính những người nông dân thật thà, chịu thương chịu khó. Chính từ những tai nạn nghề nghiệp tôi đã rút ra cho mình bài học bổ ích, không ngừng học hỏi và có thêm nghị lực để phấn đấu. Từ kết quả thực tiễn, tôi đã tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân như mở lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ, làm cuộc cách mạng vận động người dân chăn nuôi có chuồng trại, phòng bệnh định kỳ cho gia súc, gia cầm, ngoài ra tôi còn học thêm được 2 nội ngữ. Cũng từ công việc mà tôi hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, phong tục tập quán, tấm chân tình, những khó khăn trong sản xuất của người nông dân. Tôi vui khi nhận món quà cây nhà lá vườn của họ gửi tặng, phấn khởi khi sản phẩm nông nghiệp được mùa được giá, buồn khi thiên tai, mất mùa mất giá đến với họ, tôi tan chảy con tim, xúc động trào nước mắt khi nghe tiếng hát cất lên từ sâu thẳm trong tâm hồn của người khiếm thị …. Tôi đi rất nhiều nơi, tiếp xúc cũng rất nhiều các tầng lớp và rất tự hào khi niềm tin của người nông dân đối với ngành khuyến nông vẫn luôn được đong đầy. 20 năm trong nghề đã đem lại cho tôi sự vững vàng, tự tin, những kinh nghiệm quý báu. Những tình huống khó đã không còn khó, và cũng lại thấy dễ xúc động hơn xưa.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc sáp nhập 3 đơn vị Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Tôi cũng chưa biết nội dung, công việc, quy chế hoạt động như thế nào. Song đối với riêng bản thân tôi thì việc gần gũi, chia sẻ, hỗ trợ, sát cánh cùng người nông dân tôi vẫn muốn được tiếp tục gắn bó, bởi vì ở đó tôi có được niềm vui, niềm đam mê, đặc biệt là tình cảm chân thành và sự tin tưởng của người nông dân. Tôi vẫn mong rằng dù có thay tên đổi họ thì cái hồn cốt, niềm tin, niềm tự hào của ngành khuyến nông đối với người nông dân vẫn tồn tại mãi mãi, vẫn tiếp tục phát triển và trở thành biểu tượng không lẫn với bất cứ công việc nào khác.
Tôi vẫn muốn làm công tác khuyến nông.
Để được hát, được đùa, được nói.
Để được chạy tới mỗi khi nông dân gọi.
Cất tiếng cười chia sẻ nỗi buồn vui./.
Nguyễn Thị Hạnh
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây