Lo ngại kinh tế trì trệ kéo dài

Thứ ba - 23/10/2012 13:58 1.287 0
TT - Sáng 22-10, phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định năm 2013 sẽ thực hiện nhiều nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.
 Đặc biệt sớm nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ, khôi phục thị trường bất động sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ - Ảnh: T.ĐẠM

 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong số các điểm sáng của năm 2012 có việc dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỉ USD. Triển khai thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh. Cụ thể, việc khởi tố một số thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng ACB gần đây, thực tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra sai phạm từ năm 2011, khi đủ chứng cứ đã xử lý ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Sẽ lập công ty xử lý nợ...

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2013. Trong đó, bao gồm một số giải pháp trọng tâm như:

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, linh hoạt; gắn kết chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; điều hành tỉ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền VN; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng... Cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản suất kinh doanh. Đáng chú ý là nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Xử lý nợ giữa ngân sách với các doanh nghiệp, nợ chéo giữa các doanh nghiệp (như than, khí, điện, ximăng...). Khôi phục thị trường bất động sản. Nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ.

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ban hành chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng hợp lý để đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Phát hành trái phiếu công trình và áp dụng các hình thức đầu tư phù hợp để tập trung nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A (đầu tư mở rộng 1.054km và nâng cấp 282km mặt đường với tổng nhu cầu đầu tư khoảng 89.000 tỉ đồng).

Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Về thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói do cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 rất khó khăn, chưa bố trí được nguồn, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tính toán cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện ngay khi có điều kiện, trước hết là đối với người có công, cán bộ hưu trí.

Cần đánh giá toàn diện

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết Quốc hội (năm chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ che phủ rừng). Kết quả này được hầu hết thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài sang năm tới. Một số ý kiến nhận xét báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đánh giá sự tác động đến tăng trưởng, việc làm trong thời gian tới, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hữu hiệu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này” - ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Ủy ban Kinh tế đưa ra sáu nhóm vấn đề mới cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn. Trong đó có việc nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Có ý kiến cho rằng diễn biến giá cả mặc dù chỉ xảy ra trong tháng 9, nhưng đòi hỏi cần chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):

Không để ngân hàng tự giải quyết nợ xấu

Báo cáo của Chính phủ đề cập vấn đề “nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ”. Theo tôi, việc hình thành công ty mua bán nợ đã ở vào thời điểm chín muồi. Tất nhiên, không đơn giản thành lập một công ty mà có nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết, ví dụ như hội đồng quản trị của công ty đó là ai?

Trước hết, phải xác định nợ xấu đang là một nguyên nhân rất quan trọng đè nặng lên nền kinh tế từ mấy năm nay. Cho nên cần đồng thuận cắt khối u nợ xấu ra khỏi cơ thể nền kinh tế, để tồn tại lâu quá sẽ diễn biến phức tạp, làm người đi vay và cho vay khó gặp nhau. Hiện nay từ sự đồng thuận với nhau, phải xác định nợ xấu này không thể để ngân hàng tự giải quyết, bởi vì nếu họ tự giải quyết được thì đã giải quyết rồi.

Chúng ta nên hình thành một ủy ban xem như hội đồng quản trị của công ty xử lý nợ xấu, bao gồm các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an... Ủy ban này đặt dưới sự kiểm soát của một ban giám sát có đại diện các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách... để giám sát tính minh bạch trong hoạt động của ủy ban.

V.V.THÀNH ghi

 

 

Giải quyết nhanh các nút thắt

Ủy ban Kinh tế đề nghị từ nay đến Tết âm lịch tập trung vào bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất, khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, ximăng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư...

Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ. Thứ ba, cần sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, vùng, địa phương. Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.

(Nguồn: báo cáo của Ủy ban Kinh tế)

 

Theo tuoitre.vn

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây