Cây Ba dót ngừa cục máu đông

Thứ sáu - 13/05/2011 15:13 7.337 0
Cây Ba dót, còn gọi Cá dót, Ayapana, tên khoa học: Eupatorium triplinerve Vahl., tên đồng nghĩa Eupatorium ayapana Vent. Ex Mill., Ayaoana triplinervis, thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Cây Ba dót (Eupatorium triplinerve Vahl.)

Cây bụi (nhiều nhánh, màu đo đỏ), cao 20 - 30 cm. Lá mọc đối, hình mũi giáo, dài 5 - 8 cm với 3 gân lá rất rõ, láng, cuống lá ngắn. Hoa đầu cao 6 - 13 mm màu hường hay tím với 15 - 20 hoa hình ống, lưỡng phái. Bế quả có 5 khía, cao 2 mm, có lông màu trắng, dễ rụng. Cây mọc hoang, xuất xứ Nam Mỹ, trồng làm thuốc, làm cảnh khắp nơi, lá rất thơm, phơi khô càng thơm vì chứa nhiều coumarinayapanin, ayapin, thimoquinon… Dùng như trà, có tác dụng bổ, cầm máu, nhuận trường, trị cảm cúm.

Bộ phận dùng: lá, hoa, toàn cây

Người da đỏ ở Peru đã biết dùng lá và cành Ba dót làm thuốc uống trị đau bụng, đau dạ dày, phù nề, và làm thuốc lọc máu. Giã đắp trị vết thương, cầm máu. Làm trà uống trị xuất huyết nội, rắn cắn (nhai nuốt, bã đắp), ói mửa, làm ra mồ hôi, lành vết thương, làm thuốc bổ đắng, trị sốt nóng, cúm, tiêu chảy và trị ung thư. Trà hay nước sắc dùng có tính bảo vệ gan, viêm đường tiết niệu. Ayapana dùng trị u bướu ở Peru, Argentina. Nước sắc toàn cây trị rối loạn kinh nguyệt. Y học Brasil dùng nước ép lá, nước sắc cành lá làm thuốc bổ, kích thích và thuốc săn da, kiết lỵ, ra mồ hôi. Nước sắc lá phối hợp với mật ong trị ho, viêm họng. Nhai lá trị loét miệng, viêm nướu, cảm cúm. Nhai nuốt vài cành nhánh (15 lá) trị nhức đầu, huyết áp cao và giúp chống cục máu đông. Y học Ấn Độ dùng nước sắc cành lá làm thuốc bổ tim, làm xuất mồ hôi, gây nôn, cầm máu, nhuận trường, kích thích và bổ. Dược thư châu Âu cũng công nhận Ba dót như một dược liệu trong thế kỷ trước.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng chứng minh Ba dót chứa nhiều coumarin, là một hóa hợp chất thiên nhiên có trong cây cỏ và được xem như có vị đắng nhưng mùi ngọt, có tác dụng lâm sàng như một tiền chất của nhiều thuốc chống đông máu mà chất điển hình nhất là warfarin. Hai chất coumarin của Ba dót có tên là ayapanin và ayapin được tìm thấy từ những năm 1930 được chứng minh là làm loãng máu hay có tính kháng đông (chống kết cụm tiểu cầu trong tai biến tim mạch). Nó cũng chứa chất hernarin (7-methoxycoumarin) giúp giải thích tại sao Ba dót được dùng trong y học cổ truyền để trị u bướu. Nghiên cứu mới nhất 2005 chứng minh chất này độc với tế bào ung thư, kể cả các loại tế bào đa đề kháng thuốc chống u bướu và ung thư bạch cầu.

Các hóa hợp chất thiên nhiên khác được xác định trong Ba dót, kể cả: 1-8 cineol, alpha-phellandrene, alpha-terineol, ayapanin, ayapin, beta-selinene, borneol, bornyl-acetate, coumarin, daphnetin, dipentene, herniarin, hydrangetin, linalol, methylene-dioxy-6,7-coumarin, sabinene, stigmasterol, thymoquinone, thymohydroquinone, và umbelliferone.

Đặc tính sinh học và tác dụng lâm sàng

Trong một nghiên cứu năm 1998, trích tinh bằng cồn methyl của lá Ba dót khô không thấy tác dụng kháng sinh chống vi khuẩn, nhưng có tác dụng chống nấm nhẹ. Trích tinh ethanol toàn cây Ba dót nghiên cứu ở Surinam cũng cho thấy có tác dụng yếu trên vi khuẩn và nấm. Ngược lại tinh dầu hoa Ba dót có tác dụng chống nhiễm khuẩn và nấm tốt hơn.

Nghiên cứu ở nhiều trường đại học công nhận toàn cây Ba dót khô có tác dụng bảo vệ thực phẩm chống các côn trùng thường gặp.

Lưu ý khi sử dụng Ba dót

Vì thân và lá Ba dót chứa hợp chất thiên nhiên coumarin… có tác dụng chống đông máu và giúp loãng máu ngừa cục máu đông trong các trường hợp xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, tai biến tim mạch (thế được aspirin và vài thuốc tây ngừa cục máu đông mà bác sĩ hay cho với nhiều phản ứng phụ) nhưng khi dùng Ba dót (ăn vài lá tươi hay uống trà Ba dót) phải lưu ý các trường hợp chống chỉ định như đang dùng thuốc chống đông. Ba dót có thể tương tác với thuốc chống đông, vì nó nâng cao và làm tăng tác dụng loãng của các thuốc khác (nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng).

Tác dụng hạ huyết áp của Ba dót (Eupatorium triplinerve) đã được y học dân gian các nước sử dụng được giải thích là nhằm mục đích giúp loãng máu, ngừa cục máu đông…, nhưng không ổn định. Do đó phải theo dõi huyết áp khi dùng và không được dùng liều cao vì có thể nó gây xuất huyết vì làm máu quá loãng.


KQ

(Theo: khoahocphothong.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây